Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 30/08/2024 16:35
(CTTĐTBP) - Sáng 30/8/2024, Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh có buổi làm việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước về khảo sát thực trạng, tư vấn hỗ trợ phát triển chuyên môn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tham dự buổi làm việc có Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất; Giám đốc Sở Y tế Đỗ Thị Nguyên; Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vũ Xuân Thủy cùng các thành viên trong đoàn.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 16 nhân viên với 03 bác sĩ, 13 điều dưỡng và có 03 phòng chạy thận. Trong đó, 01 phòng chạy bệnh nhân nhiễm và 02 phòng chạy bệnh nhân thường.
Giai đoạn đầu, Khoa Nội tổng hợp có 34 máy chạy thận nhân tạo hoạt động với công suất cao để đáp ứng nhu cầu của 150 bệnh nhân suy thận chạy định kỳ, phải điều trị thường xuyên. Mỗi ngày, máy chạy thận nhân tạo Khoa Nội tổng hợp phải chạy liên tục 05 ca, mỗi ca từ 3,5 - 4 giờ mới đáp ứng kịp cho 150 bệnh nhân. Vì kín lịch nên bệnh viện không có máy dự phòng. Khi có ca cấp cứu đột xuất, bệnh nhân phải chuyển đến các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh điều trị. Việc phát triển chuyên môn thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là rất cần thiết, để đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Bách cho biết: Phương án hỗ trợ chuyển giao đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp cận thiết bị máy móc, kỹ thuật, nguồn nhân lực để hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Đoàn trực tiếp đi khảo sát về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị. Qua khảo sát, dự kiến thời gian tới Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh sẽ đào tạo cho các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh học tập theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, thực hành, lý thuyết, cập nhật kiến thức kỹ thuật cao thận nhân tạo trong thời gian 6 tháng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Thị Nguyên mong muốn trong thời gian tới, Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các kỹ thuật chuyên thận nhân tạo; thực hiện các bước cần thiết đầu tư, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực y tế có chuyên môn giỏi; giảm chi phí đi lại; vừa đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin với người bệnh; cần sâu sát hơn trong công tác chuyên môn điều trị; tận dụng sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp để hợp tác bằng hình thức an sinh xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật tại địa phương, giảm bớt khó khăn, tốn kém cho người bệnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên./.