Danh hiệu "Chuông vàng vọng cổ" 2016 thuộc về
Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung.
Trong đó, Cụm 5 - khu vực Đông Nam bộ gồm các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước ghi danh từ ngày 27/6 đến ngày 7/7. Địa điểm ghi danh ở Bình Phước: Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Phước (số 624, Quốc lộ 14, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài). Thi sơ tuyển Cụm 5 diễn ra ngày 8/7/2017, địa điểm thi sơ tuyển dự kiến: Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương (số 5, đường 30 tháng 4, phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
“Chuông vàng vọng cổ" 2017 gồm 3 vòng thi: Sơ tuyển; tuyển chọn; chung kết xếp hạng. Vòng sơ tuyển, thí sinh hát 2 câu vọng cổ tự chọn, thời lượng tối đa 3 phút, ban giám khảo sẽ chọn 36 thí sinh để thi tiếp vào vòng tuyển chọn, được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Thí sinh vào vòng tuyển chọn được ban tổ chức cấp giấy chứng nhận và các giải thưởng của vòng tuyển chọn. Vòng chung kết xếp hạng được truyền hình trực tiếp vào lúc 21 giờ các đêm 3, 10, 17, 24/9/2017 tại Nhà hát Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Kể từ vòng thi này, thí sinh được tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, được ban tổ chức lo chi phí về ăn ở và tập luyện. 9 thí sinh vòng chung kết sẽ được chia thành 3 đội, có sự hướng dẫn của huấn luyện viên là các giám khảo vòng tuyển chọn.
“Qua 11 lần tổ chức, cuộc thi ‘Chuông vàng vọng cổ’ đã trở thành địa chỉ tin cậy cho những tài năng trẻ đam mê tài tử cải lương. Sau mỗi năm, nhiều tài năng được phát hiện, bồi dưỡng và ngày càng vững tin hơn với lựa chọn con đường nghệ thuật của mình”, HTV cho biết.
Với ý nghĩa đó, cuộc thi được tổ chức nhằm tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. Từ đó, khuyến khích mọi người, nhất là thế hệ trẻ cùng tìm hiểu, yêu quý, giữ gìn và phát huy những tinh hoa của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử trong thời hội nhập./.
Thế Sơn