Thông tin thị trường và chính sách hàng hóa nông, thủy sản

Thứ năm - 21/09/2017 18:18

Thông tin thị trường và chính sách hàng hóa nông, thủy sản

(CTTĐTBP) - Với nhu cầu đang xu hướng tăng trong các tháng cuối năm 2017, giá các mặt hàng nông, thủy sản trong nước được dự báo sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Dự báo trên được Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) thông tin trong Bản tin thị trường nông sản Việt Nam (kỳ 1 tháng 8/2017).
 
Giá nhân điều khô tại Bình Phước ngày 14/8/2017 là 50.000 đồng/kg.
 
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, diễn biến tình hình thị trường nông, lâm, thủy sản từ ngày 29/7 đến ngày 14/8/2017 có nhiều điểm đáng chú ý. Giá gạo tại thị trường trong nước tăng giảm trái chiều trong nửa đầu tháng 8/2017; dù xuất khẩu gạo đang khá thuận lợi với các đơn hàng từ Băng-la-đet và Phi-lip-pin nhưng thị trường gạo sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm; xuất khẩu gạo nếp nhiều khả năng sẽ giảm do ảnh hưởng từ việc nâng thuế nhập khẩu gạo từ Trung Quốc - nhà tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam.
 
Giá cá tra nguyên liệu và tôm tăng nhẹ trở lại với mức tăng từ 4,2% - 5,8% so với cuối tháng 7/2017. Nguyên nhân tôm tăng giá vào thời điểm này là do thị trường xuất khẩu đang khởi sắc trở lại. Do đó, các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng phải đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trong khi đó, nguồn tôm nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu.
 
Giá cà phê nội địa tính đến ngày 14/8/2017 giảm 3% so với cuối tháng trước, do nhu cầu chậm lại và giao dịch trầm lắng khi các nhà nhập khẩu đang nghỉ lễ. Bên cạnh đó, người trồng cà phê cũng muốn thanh lý hàng để chuẩn bị bước vào vụ mùa mới với kỳ vọng đạt sản lượng cao khi thời tiết thuận lợi trên khắp khu vực trồng cà phê.
 
Giá hạt tiêu trong nửa đầu tháng 8/2017 tăng 13% so với cuối tháng trước lên mức 87.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này là sản lượng tại In-đô-nê-xi-a (quốc gia trồng hồ tiêu lớn trong khu vực) bị giảm mạnh do thời tiết bất lợi. Trong ngắn hạn, giá hồ tiêu có thể sẽ tiếp tục tăng trước khi hồ tiêu Việt Nam vào vụ thu hoạch năm 2018.
 
Trái lại, giá thu mua cao su trong nước giảm từ 4 - 5,7% trong nửa đầu tháng 8/2017. Nguyên nhân là lo ngại nguồn cung dư thừa, sản lượng cao su từ các nhà sản xuất Đông Nam Á đang tăng mạnh khi bước vào vụ thu hoạch mới, trong khi nhu cầu cao su toàn cầu chưa có nhiều cải thiện đáng kể.
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 12,6% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 6/9 mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD (thủy sản, rau quả, cà phê).
 
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030. Mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của nước ta. Tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016 - 2020; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay và tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển.
 
Nhóm hàng nông, thủy sản thuộc các mặt hàng ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu như: Gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, rau quả; các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu là chè, mật ong. Trong các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến sẽ có lợi thế xuất khẩu gồm: Nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nhựa và sản phẩm nhựa, phân bón, hóa chất.
 
Giải pháp chủ yếu thực hiện đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất; đối với nông sản phải chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nơi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.
 
Về giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, bộ ngành và địa phương thực hiện xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất và phương thức quản trị tiên tiến theo các hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa phù hợp với từng thị trường và năng lực của doanh nghiệp; tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối, giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học (trong nông nghiệp), giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Cung cấp thông tin tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu…
 

Nhật Phong 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,301
  • Hôm nay56,911
  • Tháng hiện tại10,523,502
  • Tổng lượt truy cập455,918,624
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây