Sở Y tế tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

Thứ bảy - 30/09/2017 10:15

Sở Y tế tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

(CTTĐTBP) - Ngày 29/9, Sở Y tế tỉnh đã có văn bản trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Cổng TTĐT tỉnh thông tin để cử tri được biết.
 
Sẽ tiến hành nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh
 
Cử tri xã Phước An, huyện Hớn Quản kiến nghị: Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã xuống cấp, đề nghị nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Về vấn đề này, Sở Y tế trả lời như sau: Sở Y tế và các sở liên quan đang hoàn thiện dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh từ 300 giường bệnh lên 600 giường bệnh, sẽ tiến hành nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh sau khi được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Không ghi nhận dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh
 
Cử tri xã Quang Minh và xã Minh Long, huyện Chơn Thành phản ánh: Hiện nay, trên địa bàn đang trong mùa cao điểm dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), song người dân chưa được tuyên truyền, phát động để tổ chức thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Cử tri đề nghị ngành y tế tỉnh sớm triển khai chiến dịch phòng, chống dịch bệnh SXH để nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong hoạt động phòng chống dịch bệnh.
 
Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện. Ảnh: Xuân Nguyên.
 
Sở Y tế trả lời như sau: Đối với tuyến tỉnh, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh. Trong kế hoạch này, Sở Y tế đã đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu cũng như các giải pháp cụ thể để phòng chống SXH. Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, ngành y tế tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động phòng chống SXH, đặc biệt là những địa bàn có nguy cơ cao.
 
Kết quả trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 1.574 ca mắc SXH, tử vong 1 ca. Số ca mắc giảm 29% so với cùng kỳ năm 2016 (2.224 ca), không ghi nhận dịch SXH trên địa bàn tỉnh. Có 8/11 huyện, thị xã có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2016; 3 huyện, thị xã có số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2016 gồm các huyện thị: Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản.
 
Tại huyện Chơn Thành, trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn huyện ghi nhận 245 ca mắc SXH, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 51% so với cùng kỳ năm 2016 (494 ca). Có 8/9 xã, phường có số ca mắc giảm, riêng xã Minh Hưng có số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2016 (143/27 ca). Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành đã xây đựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động giám sát phòng chống SXH trên địa bàn huyện như: Chỉ đạo các xã trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống SXH qua hệ thống loa truyền thanh của xã và qua mạng lưới y tế thôn bản để các hộ gia đình tự vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất các dụng cụ chứa nước có lăng quăng (bọ gậy); giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch (xử lý 11/11 ổ dịch, đạt 100%); tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai phun hóa chất trên diện rộng kết hợp với diệt lăng quăng phòng chống SXH tại ấp 4 xã Minh Hưng (thời gian thực hiện tháng 8/2017, số hộ được bảo vệ là 18.551 hộ).
 
Sở Y tế cho biết thêm: Tình hình bệnh SXH trên địa bàn được kiểm tra chặt chẽ từ trung tâm y tế huyện đến trạm y tế xã, phát hiện kịp thời và tổ chức xử lý các ổ dịch nhỏ, các ca bệnh được xử lý điều trị theo phác đồ Bộ Y tế, chưa có ca tử vong nào trên địa bàn huyện Chơn Thành. Các hoạt động truyền thông phòng chống SXH trên địa bàn huyện Chơn Thành nói chung và xã Quang Minh, Minh Long nói riêng đã thực hiện tốt công tác này.
 
BHYT không thanh toán tiền thuốc ngoài danh mục được cấp
 
Cử tri xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng kiến nghị: Ngành chức năng xem xét việc cấp, phát thuốc cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã, vì cơ số thuốc được cấp sau khi khám bệnh không bảo đảm. Việc mua hóa đơn để thanh toán theo quy định là bất cập và không phù hợp
 
Về vấn đề này, Sở Y tế trả lời như sau: Trong năm 2017, Trạm Y tế xã Nghĩa Bình vẫn luôn dự trù và sử dụng thuốc BHYT hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng có một vài trường hợp bệnh nhân đến khám BHYT tại Trạm Y tế xã và đã xảy ra tình trạng thiếu một vài loại thuốc. Nguyên nhân là do tình hình bệnh phát sinh, tăng nhiều trong tháng nên Trạm Y tế xã đã sử dụng hết cơ số thuốc. Ngoài ra, có những bệnh cần một số thuốc đặc hiệu điều trị nhưng lại không có trong danh mục thuốc được Bộ Y tế cho phép sử dụng tại Trạm Y tế xã. Trường hợp hết thuốc, phải đến đầu tháng sau khi Trạm Y tế xã quyết toán thuốc với cơ quan bảo hiểm xã hội xong thì mới được nhập thuốc mới về sử dụng. Vì vậy, mới xảy ra trường hợp thiếu một vài loại thuốc cho bệnh nhân sử dụng tại địa phương.
 
Một số trường hợp bệnh nhân muốn khám và điều trị bệnh tại Trạm Y tế xã cho thuận tiện, không muốn lên tuyến trên. Do đó, đã nhờ nhân viên trạm tư vấn ghi toa để mua thêm một vài loại thuốc còn thiếu, điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và tất cả bệnh nhân đều đồng ý, không có ý kiến phản đối. Riêng nội dung phản ánh của cử tri về việc mua hóa đơn để thanh toán tiền thuốc là không đúng, vì BHYT không thanh toán tiền thuốc ngoài danh mục được cấp. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các trung tâm y tế trên địa bàn cố gắng dự trù đủ thuốc để khắc phục tình trạng này, không gây phiền hà cho bệnh nhân.
 
Trường hợp được xác định đúng tuyến khám, chữa bệnh BHYT
 
Cử tri xã An Phú và xã Tân Khai, huyện Hớn Quản kiến nghị: Đề nghị cấpcó thẩm quyền xem xét cho người bệnh thuộc diện BHYT khi chuyển viện được vượt tuyến đối với trường hợp bệnh nặng nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân, tránh trường hợp làm các thủ tục và chuyển qua nhiều tuyến.
 
Trả lời kiến nghị trên, Sở Y tế cho biết: Căn cứ Điều 11, Chương IV của Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh BHYTban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thì các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám, chữa bệnh BHYT được quy định như sau:
 
Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
 
Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền).
 
Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.
 
Như vậy, theo Thông tư 40, các trường hợp chuyển viện trái tuyến từ tuyến xã lên tuyến tỉnh sẽ không được hưởng BHYT. Trong hợp này phải có giấy chuyển từ tuyến xã lên tuyến huyện, sau đó chuyển từ huyện lên tuyến tỉnh. Trong trường hợp bệnh nhân đã khám tại tuyến chuyển lên mà cần tái khám để điều trị tiếp, thì bác sĩ điều trị sẽ cung cấp cho bệnh nhân giấy hẹn tái khám cho lần điều trị kế tiếp; khi đó bệnh nhân sẽ không cần xin giấy chuyển tuyến từ tuyến dưới lên.
 
Đối với trường hợp cấp cứu, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.
 
Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu.
 
Bệnh nhân khi khám bệnh thì phải khám tại các cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Khi vượt qúa khả năng chuyên môn thì sẽ chuyển lên tuyến cao hơn, cận kề để khám và điều trị. Trường hợp bệnh cấp cứu thì được cấp cứu tại bất kỳ cơ quan khám chữa bệnh nào; sau 48 giờ hoàn thành thủ tục BHYT. Còn trường hợp tái khám, có 62 bệnh ban hành kèm theo Thông tư 40 được sử dụng giấy chuyển tuyến đến hết năm dương lịch. Các bệnh khác thì cần theo dõi của bác sĩ sẽ cấp giấy hẹn tái khám và không làm giấy chuyển tuyến.
 
Đây là những quy định chung áp dụng trên cả nước khi triển khai trong hệ thống khám chữa bệnh BHYT, có liên quan đến nhiều ngành, phải thực hiện đồng bộ và theo quy trình. Ngành y tế Bình Phước cũng phải thực hiện nghiêm, đúng theo quy trình, không thể tự tiện sửa đổi riêng cho tỉnh./.
 

Thanh Phương 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,301
  • Hôm nay578,475
  • Tháng hiện tại18,400,811
  • Tổng lượt truy cập478,293,498
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây