Các tập đoàn, công ty ký kết liên kết hợp tác chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ trong chăn nuôi.
Đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Thú y phía Nam trực thuộc Bộ NN&PTNT; Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Tập đoàn De Hues (Hà Lan) và các tập đoàn, công ty sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong hệ thống chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi trong cả nước đã tham dự hội nghị.
Liên kết “sản xuất - tiêu thụ” trong chăn nuôi là xu hướng và là yêu cầu quan trọng trong chương trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay. Hoạt động sản xuất, chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang hình thành và phát triển dưới nhiều hình thức. Ví như mô hình đầu tư chăn nuôi khép kín, hiện có 215 trang trại chăn nuôi thuộc hệ thống các công ty đang thực hiện theo mô hình này. Mô hình liên kết giữa các công ty, từ công ty sản xuất giống đến công ty sản xuất thức ăn; trại chăn nuôi đến công ty thu mua tiêu thụ sản phẩm, trong đó có sự san sẻ lợi ích cũng như khó khăn giữa các khâu để tạo bền vững của chuỗi giá trị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang hình thành mô hình liên kết giữa các nông hộ dưới các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ để tăng nguồn lực đầu tư, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Theo số liệu thống kê của ngành chăn nuôi tỉnh Bình Phước, trong những năm gần đây, mức đầu tư chăn nuôi trang trại công nghiệp tăng mạnh, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần và có sự chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn, hợp tác, trang trại theo quy mô lớn. Trong năm 2016, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt hơn 367.000 con, đàn gia cầm gần 5 triệu con, giá trị đạt 11,9% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 276 trang trại chăn nuôi công nghiệp, trong đó có 200 trang trại heo với 321.667 con. Tỷ lệ chuồng kín công nghệ lạnh, hệ thống tự động, bán tự động có 81/276 trang trại, chiếm tỷ lệ 29,34%. Riêng trong năm 2016, Bình Phước có thêm 78 dự án chăn nuôi đăng ký với quy mô 122.000 con heo nái, 389.000 heo thịt, 560.000 con gà và 77/78 dự án (chiếm 98,24%) đầu tư chăn nuôi theo công nghệ cao, chuồng lạnh. Trong đó, có 58 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các tập đoàn, công ty đã và đang thực hiện các dự án liên kết chăn nuôi - tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ những vấn đề thuận lợi, khó khăn và những giá trị lợi ích mang lại từ chuỗi liên kết. Nhiều đại biểu kiến nghị liên quan đến các vấn đề về chính sách khuyến khích, ưu tiên đầu tư chăn nuôi theo chuỗi đồng bộ; chính sách thu hút đầu tư; công tác tăng cường giám sát trách nhiệm chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi, xúc tiến thương mại…
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện lãnh đạo 9 đơn vị là các tập đoàn, công ty, các cơ sở giết mổ, công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm đã ký kết liên kết hợp tác tham gia chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi - tiêu thụ. Đây là cơ sở để tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chuỗi giá trị liên kết này trong thời gian tới./.
Hải Thanh