Các em học sinh lớp 5 Trường tiểu học Tân Xuân B (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài) đang theo học mô hình lớp học mới.
Mô hình “trường học mới Việt Nam” (viết tắt là VNEN) là dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ hỗ trợ giáo dục toàn cầu (GPE) triển khai. Đây là mô hình tổ chức trường học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học làm vị trí trung tâm. Bình Phước bắt đầu thực hiện từ năm học 2012 - 2013, triển khai thí điểm ở 9 huyện, thị xã với 28 trường tiểu học ở khối lớp 2, lớp 3 và theo lộ trình năm học 2013-2014 ở khối lớp 2, 3, 4, đến năm học 2014-2015 ở khối lớp 2, 3, 4, 5.
Mô hình VNEN có ưu điểm là kế thừa những mặt tích cực của mô hình học truyền thống, kết hợp với sự đổi mới về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Với mô hình này, học sinh sẽ tự học và giáo viên là người đứng ra tổ chức, hướng dẫn học sinh chủ động học tập, tự học. Quản lý lớp học là “hội đồng tự quản học sinh”, các ban “hội đồng tự quản học sinh” do các em bầu ra và đảm nhiệm trong nhóm học đó.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho biết: Qua 2 năm triển khai, mô hình VNEN đã mang lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục đào tạo. Đến nay, hầu hết giáo viên và các em học sinh đã thích nghi với mô hình học tập này. Đối với học sinh, các em tự tin, tích cực và chủ động tham gia sôi nổi, hào hứng vào các hoạt động nhóm, qua đó hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác. Đối với giáo viên, đã thuần thục với việc tổ chức các hoạt động học tập theo mô hình VNEN, tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy từng hoạt động học tập của từng học sinh.
Mô hình VNEN đã đổi mới một cách triệt để về hình thức tổ chức dạy học và phương pháp dạy học. “Mô hình này, dự kiến sẽ được áp dụng trong đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015”, ông Hùng nói./.
Nhật Chiêu