Tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen từ chối các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh mang tính chất minh họa.
Tháng hành động vì ATTP năm 2016 triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 với chủ đề: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Trong tháng hành động, Sở Công thương đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen từ chối các sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt không đảm bảo ATTP; không tiêu thụ những sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Công thương còn tăng cường phối hợp các ngành chức năng kiểm tra các điều kiện về đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh đối với các mặt hàng (rượu bia, nước giải khát, sữa, bánh kẹo…); đồng thời thực hiện phòng chống thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại…
Qua công tác thanh tra và kiểm tra, Sở Công thương cho biết vẫn có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ; chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh xung quanh khu vực sản xuất, chế biến. Việc quản lý vệ sinh ATTP đối với thức ăn đường phố, quầy bán rong, thực phẩm tươi sống, thức ăn ngay tại các chợ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Nguồn thực phẩm rau, thịt phân phối trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện tại 52 chợ và 1 siêu thị nhưng công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại đây còn bộc lộ nhiều hạn chế vì thiếu nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị về đảm bảo ATTP; người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi trong việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ./.
Nhật Phong