Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn Internet.
Ngành chức năng phối hợp các địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp xử lý người gây bạo lực gia đình (BLGĐ). Cụ thể đã góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 150 vụ; áp dụng các biện pháp giáo dục 9 vụ; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 2 vụ; tạm giữ, xử phạt hành chính 18 vụ; xử lý hình sự 3 vụ.
Nhằm hạn chế tình trạng này, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng BLGĐ. Trong đó, đáng chú ý là Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Đến nay, trên toàn tỉnh đã xây dựng được 532 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm, số nạn nhận bị BLGĐ tìm đến địa chỉ tin cậy cộng đồng là 122 người (khu vực thành thị 42, nông thôn 80).
Hầu hết, các thành viên phụ trách đều rất nhiệt tình với công việc. Không chỉ hỗ trợ nạn nhân tạm lánh, các thành viên của địa chỉ còn phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ… Từ đó, giảm nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc và tình cảm trong gia đình, là một trong hai nguyên nhân chính gây ra BLGĐ.
Mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp các bộ ngành, địa phương triển khai xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống BLGĐ. Theo dự thảo quy chế, ban chỉ đạo công tác gia đình tại địa phương có trách nhiệm phát hiện sớm các vụ việc BLGĐ thông qua mạng lưới cộng tác viên các cấp; phân công trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin vụ việc BLGĐ; đồng thời chăm sóc sức khỏe, bảo vệ, trợ giúp nạn nhân BLGĐ; giáo dục, tư vấn, xử lý người gây BLGĐ theo quy định của pháp luật.
Dự thảo quy chế cũng nhấn mạnh đến việc phát huy các mô hình phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ giải quyết BLGĐ tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm, giải quyết kịp thời, tránh phát sinh vụ việc nghiêm trọng./.
Nhật Phong