Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Khanh, Trưởng Khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho biết trong mấy ngày qua, khoa tiếp nhận 4-5 ca mắc sởi, đặc biệt trong đầu tháng 4 đã có 15 ca điều trị mắc bệnh sởi nặng. Nguyên nhân mắc bệnh sởi do thời tiết chuyển mùa, làm khí hậu thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt đối với trẻ chưa tiêm phòng vắc-xin sởi.
Bệnh sởi gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, mỗi một giờ trôi qua trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm phế quản, viêm loét giác mạc, lao, các bệnh nhiễm trùng khác và ảnh hưởng đến sức khỏe cho trẻ sau này.
Bác sĩ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cho biết mỗi tuần có 5-7 trường hợp mắc bệnh sởi. Trong vòng 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 72 trường hợp nghi nhiễm sởi, 9/10 huyện, thị xã đều có người mắc bệnh sởi. Để ngăn chặn tình trạng bệnh sởi bùng phát, các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác an toàn trong tiêm chủng, bảo đảm chất lượng tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc-xin sởi ngay trong tháng 4 theo đúng kế hoạch chỉ đạo của Bộ Y tế.
Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc đặc trị nên việc điều trị chủ yếu phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Khi nghi ngờ trẻ mắc sởi cần theo dõi nhiệt độ hàng ngày; nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối 9‰ để tránh nhiễm khuẩn; thường xuyên tắm rửa sạch bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng và lở loét; bảo đảm chế độ dinh dưỡng và các loại thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng./.
Xuân Hiệp