Tham dự buổi họp mặt có đồng chí Lê Văn Châu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trần Ngọc Trai - Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Quang Toản - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã; 140 chức sắc các tôn giáo, già làng, người uy tín trong vùng đồng bào DTTS.
Quang cảnh buổi họp mặt chức sắc, già làng, người uy tín tiêu biểu.
Bình Phước hiện có 303 cơ sở thờ tự, 297 chức sắc, khoảng 500 tu sĩ, 1.976 chức việc với 235.135 tín đồ hoạt động tại 8 tôn giáo được nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa hảo, Baha’i, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam.
Tại buổi họp mặt, lãnh đạo tỉnh đã thông báo tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với 26/27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2017 thực hiện 5.614 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra. Hệ thống giáo dục, y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện được củng cố, phát triển; hiện 100% xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, mầm non 5 tuổi và phổ cập THCS; tỷ lệ bác sĩ trên địa bàn tỉnh đạt 7,5 bác sĩ/vạn dân, 90% trạm y tế có bác sĩ, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 79,99%. Năm qua, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.000 lao động; các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS đã huy động được tổng lực các nguồn vốn của trung ương và địa phương, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng nông thôn…
Đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong năm 2017, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp hơn 20 tỷ đồng, hiến tặng hơn 21.000 m2 đất, đóng hơn 31.000 ngày công lao động… Kết quả trên tác động tích cực vào việc thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động; có 694/866 khu dân cư đạt chuẩn, chiếm 80,13%. Qua nhiều hình thức vận động, tuyên truyền phong phú và đa dạng, Quỹ vì người nghèo tỉnh đã tiếp nhận 72,105 tỷ đồng, xây dựng 1.008 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo.
Phát biểu tại buổi họp mặt, nhiều chức sắc đã bày tỏ niềm vui về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh; qua đó cảm ơn lãnh đạo tỉnh và đại diện sở, ngành hữu quan đã tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt, hoạt động đúng phương châm, quy định, đặc biệt tổ chức thành công Đại hội Phật giáo, Công giáo... Kinh tế - xã hội trong tỉnh phát triển giúp nhân dân nói chung và đồng bào có đạo, DTTS nói riêng được hưởng lợi để nâng cao đời sống. Các chức sắc, người uy tín cũng nêu lên những trăn trở với những tồn tại, hạn chế hiện nay như: Tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, tình trạng bán điều non trong vùng đồng bào DTTS diễn biến phức tạp; thực trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiến nghị một số vấn đề.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Châu đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các chức sắc, tín đồ tôn giáo, già làng, người uy tín vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, mong muốn các chức sắc tôn giáo, người uy tín, già làng luôn là những tấm gương trong thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động tín đồ tôn giáo, đồng bào DTTS thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân, đó là biểu hiện của tinh thần yêu nước; tích cực góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội ngày càng tốt hơn. Về những ý kiến đề xuất của các chức sắc, tôn giáo, đồng chí Lê Văn Châu giao Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật./.