Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm tiếp và làm việc với ông Shenbagam - Trưởng đại diện Tập đoàn Tata.
Từ tháng 6/2017, theo chủ trương của tỉnh, Tập đoàn Tata đã tiến hành khảo sát tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời tại Bình Phước và lựa chọn huyện Lộc Ninh để thực hiện dự án. Qua khảo sát cho thấy, số giờ nắng của tỉnh Bình Phước rất cao. Cơ sở hạ tầng về đường giao thông và điều kiện đấu nối điện tốt. Nhà đầu tư Tata đã lựa chọn được địa điểm ưng ý tại xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) với diện tích khoảng 55 ha, dự kiến công suất khoảng 49 MW điện.
Khó khăn mà nhà đầu tư đang gặp phải là mốc thời gian hoàn thành dự án điện năng lượng mặt trời để được hưởng giá bán điện ưu đãi của Chính phủ là tháng 6/2019, trong khi từ nay đến lúc hoàn thành dự án còn nhiều hạng mục công trình phải triển khai. Thời điểm hiện tại, Tập đoàn Tata đã hoàn thành hồ sơ thủ tục bổ sung quy hoạch điện và trình UBND tỉnh xem xét. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Công thương đang tiếp nhận rất nhiều dự án đầu tư về điện năng lượng mặt trời nên việc trình, xin thủ tục rất chậm, do đó cần có sự hỗ trợ từ phía tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cho biết quy hoạch sử dụng đất của tỉnh từ nay đến năm 2030, trong đó có quy hoạch đất cho các dự án phát triển điện năng lượng mặt trời. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà đầu tư tham vấn về phát triển điện năng lượng mặt trời, nên tỉnh dự kiến sẽ xin chủ trương xây dựng một đường dây 220 KV để chuyển tiếp, đấu nối điện từ các dự án điện năng lượng mặt trời hòa vào điện lưới quốc gia với nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm cho biết thêm: Lãnh đạo tỉnh Bình Phước sẽ chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ tất cả thủ tục pháp lý để dự án của Tập đoàn Tata được triển khai một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ sớm có kiến nghị lên Bộ Công thương, trình Chính phủ phê duyệt dự án bổ sung vào quy hoạch phát triển điện năng của tỉnh. Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm cho rằng các bước triển khai dự án hiện còn nhiều, song tiến độ bước đầu đạt được có tiến triển tốt.
Được biết, tại Ấn Độ, Tập đoàn Tata đã đầu tư nhiều dự án điện năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo với tổng công suất trên 1.100 MW điện./.