Vai trò của già làng có giá trị quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, giáo dục, tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước tại các thôn, ấp; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đề án xây dựng, hoạch toán ngân sách, soạn thảo quy chế hoạt động, hướng dẫn các chế độ chính sách phù hợp để trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp cuối năm.
Theo dự thảo đề án, trên địa bàn tỉnh hiện có 82 hội đồng già làng tại 82 xã, phân bố trên 294 thôn, ấp, khu phố với 521 già làng (332 già làng người S’Tiêng, 26 người M’Nông, 66 người Khmer, 37 người Tày, 36 người Nùng, 2 người Chăm, 2 người Kinh, 9 người Hoa và 11 già làng thuộc dân tộc khác). Về số lượng người có uy tín, toàn tỉnh có 347 người có uy tín được UBND tỉnh công nhận, 343 thôn có từ 35 hộ người đồng bào DTTS trở lên, trong đó có 158 người có uy tín là già làng.
Dự thảo đề án đưa ra 2 phương án củng cố, kiện toàn hội đồng già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Một là dừng mô hình tổ chức hội đồng già làng, không thành lập hội đồng già làng, người có uy tín cấp xã; tại những thôn có 125 hộ người đồng bào DTTS trở lên thì bầu chọn thêm một người có uy tín. Phương án hai là hợp nhất hội đồng già làng và lực lượng người có uy tín thành lập hội đồng già làng và người có uy tín ở cấp xã. Sau khi bầu chọn mỗi thôn có 1 già làng tiêu biểu, hướng dẫn bình chọn bổ sung già làng tại các thôn có 125 hộ người đồng bào DTTS trở lên vào danh sách người có uy tín để hưởng chế độ chính sách như người có uy tín./.
Sỹ Luân