Ông Kiều Đình Thụ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thành viên Ban chỉ đạo đề án phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Theo báo cáo, qua 5 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay Bình Phước có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập là Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) và Trung tâm giám định y khoa pháp y (Sở Y tế) trên cơ sở nâng cấp Phòng giám định y khoa tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đến cuối tháng 9/2015, trên địa bàn tỉnh có 42 giám định viên thuộc các lĩnh vực: Pháp y, kỹ thuật hình sự, kế toán - tài chính, văn hóa, tài nguyên - môi trường, xây dựng.
Phần lớn các kết quả giám định đều đáp ứng kịp thời, đúng thời hạn giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Việc thu, sử dụng phí, chi phí giám định tư pháp và thực hiện chế độ cho người làm công tác giám định tư pháp được cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp được Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý đội ngũ giám định viên. Công tác thống kê, dự báo nhu cầu giám định, đánh giá chất lượng kết luận giám định tư pháp được thực hiện tốt.
Tại buổi làm việc, các bộ ngành trung ương và các sở, ban, ngành của tỉnh đã có nhiều trao đổi để làm rõ những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đề án tại địa phương. Trên cơ sở này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Trai đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ ngành nhằm triển khai thực hiện đề án có hiệu quả và đúng theo quy định của pháp luật./.
Sỹ Luân