Giải pháp quan trọng nhất hiện nay trong việc phòng, chống bệnh DTLCP là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn. Ảnh: Xuân Hiệp.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã có chiều hướng giảm mạnh; nhiều địa phương đã hết dịch (qua 30 ngày), cơ bản đảm bảo yêu cầu tái đàn. Tuy nhiên, bệnh DTLCP là bệnh rất nguy hiểm đối với lợn, hiện chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị. Giải pháp quan trọng nhất hiện nay trong việc phòng, chống bệnh DTLCP là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.
Việc nuôi tái đàn lợn cũng cần phải thận trọng để đảm bảo hiệu quả kinh tế và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh. Việc nuôi tái đàn lợn tại địa phương đã có bệnh DTLCP được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP.
Theo đó, cơ sở chỉ nuôi tái đàn lợn tại địa phương đã công bố hết dịch bệnh DTLCP khi đáp ứng các yêu cầu sau:
Chủ cơ sở nuôi phải kê khai với UBND cấp xã trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn (theo điều 54 của Luật Chăn nuôi); có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn nước uống, có quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAPH, GlobalGap trong chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi tập trung phải định kỳ lấy mẫu môi trường, nguồn nước,… xét nghiệm khẳng định không có vi rút DTLCP.
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 4249/BNN-TY ngày 18/6/2019 về việc kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTLCP; Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP. Trong đó lưu ý, hàng ngày thực hiện việc vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm để tránh mang mầm bệnh từ bên ngoài vào trong chuồng nuôi, trại nuôi lợn; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin khác theo quy định, bổ sung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; ghi chép các hoạt động chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tái đàn mà không kê khai với chính quyền cơ sở. Trường hợp không kê khai và để xảy ra dịch bệnh thì bị xử lý theo quy định và không được hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Đối với nuôi tái đàn lợn tại địa phương chưa công bố hết dịch bệnh DTLCP, không thực hiện nuôi tái đàn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các cơ sở chăn nuôi tập trung không đáp ứng các yêu về công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP. Chỉ thực hiện tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi tập trung đã được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, VietGAPH, GlobalGap trong chăn nuôi. Được chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn thú y cấp huyện kiểm tra, xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu nuôi tái đàn./.