Tăng cường giám sát, phát hiện các ca nghi ngờ đậu mùa khỉ ngay tại cửa khẩu

Thứ ba - 24/05/2022 07:52

(CTTĐTBP) – Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 13/5 đến ngày 21/5/2022, trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 28 trường hợp nghi ngờ tại 12 quốc gia. Điều đáng nói là các nước này trước đó chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ. Để chủ động giám sát và kịp thời triển khai các biện pháp phòng bệnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các ca nghi ngờ ngay tại cửa khẩu.

Chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam và cách phòng bệnh - Ảnh 1.
Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người và có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như chăn ga gối đệm

Cơ chế lây của bệnh đậu mùa khỉ

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như chăn ga gối đệm.

Bệnh đậu mùa khỉ thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh thường từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên ở bệnh đậu mùa khỉ hay gặp tổn thương da toàn thân và hạch to hơn ở đậu mùa. Các yếu tố nguy cơ bị lây nhiễm là ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Theo WHO, định nghĩa các ca bệnh mắc đậu mùa khỉ cụ thể như sau:

1. Ca bệnh nghi ngờ: Là người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và bị một hoặc nhiều triệu chứng sau kể từ ngày 15/3/2022 như đau đầu, sốt (> 38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược. Các phát ban này không điển hình cho các triệu chứng của các bệnh thông thường gây ra như: Thủy đậu, hepes, sởi, Zika, sốt xuất huyết, chikungunya và các bệnh nhiễm trùng khác.

2. Ca bệnh có thể: Là ca bệnh nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như tiếp xúc trực tiếp với người mắc; tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của ca bệnh có thể hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng; có nhiều bạn tình trong 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng; có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với virus orthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm phòng bệnh đậu mùa hoặc chưa tiếp xúc với các chủng virus orthopoxvirus đã biết khác); có các triệu chứng trên đến mức phải nhập viện.

3. Ca bệnh xác định: Là ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với virus đậu mùa khỉ.

4. Ca bệnh loại trừ: Là ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể nhưng có kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với virus đậu mùa khỉ.

Cũng theo khuyến cáo của WHO, các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phải được điều tra và nếu được xác định phải cách ly cho đến khi các tổn thương trên da của người mắc khô, bong vảy và lành hẳn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tiếp tục gia tăng

WHO cho biết, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước Anh được báo cáo vào ngày 13/5/2022. Tính đến ngày 21/5/2022, trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 28 trường hợp nghi ngờ, chưa có trường hợp tử vong.

Các ca bệnh ghi nhận tại 12 quốc gia của châu Á, châu Âu và châu Mỹ gồm: Australia, Bỉ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Thụy Điển. Điều đáng nói là các nước này trước đó chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ và các ca bệnh phát hiện và nghi ngờ đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch. Phần lớn các ca bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở những người có quan hệ đồng giới nam.

Cho đến nay, tất cả các trường hợp mắc có mẫu được xét nghiệm bằng Realtime PCR đều xác định là bị nhiễm chủng Tây Phi. Giải trình tự gene cũng cho thấy, virus đậu mùa khỉ gây ra đợt bùng phát hiện tại có sự trùng khớp với virus đậu mùa khỉ lây truyền từ Nigeria sang Vương quốc Anh, Israel và Singapore vào năm 2018 và 2019.

Theo dự báo của WHO, dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Tăng cường giám sát ca bệnh tại cửa khẩu

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế sẽ đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các ca nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

Đồng thời, các cơ sở y tế cũng tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của WHO). Khi phát hiện, báo cáo ngay Sở Y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Các biện pháp phòng bệnh

Đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo tránh tiếp xúc trực tiếp (gồm cả quan hệ tình dục) với người mắc bệnh đậu mùa; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, hắt hơi.

Người có các triệu chứng của ca bệnh nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người có các triệu chứng của ca bệnh nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin, kỹ thuật chẩn đoán. Từ đó, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur đề xuất hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ giám sát, chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,477
  • Hôm nay679,996
  • Tháng hiện tại17,631,300
  • Tổng lượt truy cập477,523,987
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây