(CTTĐTBP) - Thân nhiệt sẽ giảm không có nghĩa là người bệnh sốt xuất huyết đang hồi phục.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.
Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Thân nhiệt sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo dưới đây bởi vì đó có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue nặng.
Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì tình trạng này gây ra:
- Thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp hoặc không;
- Chảy máu nặng; Tổn thương tạng nặng.
Điều trị Sốt xuất huyết Dengue như thế nào?
Theo tài liệu Hỏi - Đáp về bệnh sốt xuất huyết Dengue do Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật ngày 2/6/2022, hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Người đã bị nhiễm virus Dengue có thể lây truyền bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện (trong khoảng 4-5 ngày; tối đa 12 ngày). Để phòng lây truyền bệnh, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp như nằm màn tẩm hóa chất, đặc biệt là trong giai đoạn bệnh nhân bị sốt.
Nhiễm bệnh từ một típ virus sẽ có tác dụng bảo vệ suốt đời chỉ riêng với chủng đó. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể bị nhiễm các típ virus khác và tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng.
Khi được chăm sóc y khoa đúng cách và phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue thấp dưới 1%. Tuy vậy, nhìn chung khi mắc bệnh,người bệnh sẽ rất mệt và cảm giác rất khó chịu.
Muỗi sinh sản ở đâu?
Muỗi sống tại các khu vực gần với nơi loài người sinh sống (khu vực đô thị).
Muỗi Dengue đẻ trứng ở các lu/vại/thùng chứa nước bên trong nhà và các khu vực xung quanh nơi ở (bao gồm chai lọ, lọ hoa, thùng/xô/chậu/bình, rác thải, lốp hỏng, vv… chứa nước đọng).
Trứng muỗi nở khi gặp nước. Trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng.
Muỗi trưởng thành "thường" đậu trong nhà ở các xó tối (phòng đựng đồ, dưới gầm giường, sau rèm cửa). Tại các khu vực này, muỗi không bị gió, mưa và kẻ thù của chúng tiêu diệt, khiến vòng đời và cơ hội sống của chúng đủ dài để chúng mang mầm bệnh truyền từ người này sang người khác.