Kỹ sư Đỗ Hữu Đức trao đổi với bà con tại buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, kỹ sư Đỗ Hữu Đức đã giới thiệu về bộ tiêu chí tuyển chọn giống cây ăn trái và các giống cây có ở địa phương, giống cây nhập từ các tỉnh miền Tây và khu vực lân cận; hướng dẫn quy trình chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại; thời điểm bổ sung nước tưới, bón phân và sử dụng chất điều hòa sinh trưởng trên cây; sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân cần lưu ý một số loại sâu bệnh hại trên cây như: bọ xít muỗi, bọ trĩ, sâu đục thân, đục cành, bệnh thán thư, xì mủ, khô cành…
Qua buổi tập huấn, bà con nông dân sẽ có thêm kiến thức và kinh nghiệm trồng, chăm sóc vườn cây ăn trái đạt hiệu quả tốt nhất; đặc biệt là cách nhận biết thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đảm bảo chất lượng, phòng trừ bệnh hại.
Diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hiện có 11.239ha
*Theo Cục Thống kê tỉnh, hiện nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh có 11.239ha, chiếm 2,65% trên tổng diện tích cây lâu năm (cây lâu năm gồm cây điều, tiêu, cao su, cà phê có tổng diện tích 411.327ha). Các loại cây ăn trái như cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, dứa, chuối, xoài... ngày càng được áp dụng khoa học kỹ thuật từ việc đầu tư trang thiết bị máy móc, phân bón, cây giống, lai tạo…để có năng suất chất lượng cao. Thời điểm này, hầu như các loại cây ăn trái đã ra bông đậu trái và đang thu hoạch.
Về tình hình sâu bệnh, công tác bảo vệ thực vật tiếp tục được các cấp, ngành duy trì quan tâm. Do đó, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng./.