(CTTĐTBP) - Trong những năm qua, người có uy tín ở Bình Phước trở thành “cầu nối” giữa ý Đảng - lòng dân, góp phần trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bản thân người có uy tín đã tham gia tích cực các phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương.
Bà Thị Mương (57 tuổi, người dân tộc S’tiêng) là người có uy tín ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản. Bà luôn tận tâm với công việc và được nhiều người biết đến. Bà Mương hiện là đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh. Thời gian qua, bà thường xuyên nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, vận động bà con đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tham gia giữ gìn an ninh trật tự… Đặc biệt, bà thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
“Ở ấp Bù Dinh, người đồng bào DTTS S'tiêng chiếm 85%, trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế. Do đó, trong công tác tuyên truyền, vận động còn gặp nhiều khó khăn. Bản thân tôi cùng Ban quản lý ấp đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con và giúp bà con nâng cao nhận thức tầm quan trọng về việc học hành của con em, tích cực chăm lo sản xuất, ổn định đời sống”, bà Thị Mương chia sẻ.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 (2020-2022), bà Mương chủ động đi đầu, phối hợp hướng dẫn chị em phụ nữ trong ấp và người dân chấp hành nghiêm chỉ đạo của các cấp trong việc ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh; tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch, tham gia các chốt phòng chống dịch, vận động các gia đình có điều kiện, các mạnh thường quân đóng góp ủng hộ đồng bào khó khăn, đồng bào trong các khu vực bị phong tỏa...
Ngoài ra, bà Mương còn truyền dạy cho con cháu nghề truyền thống của đồng bào mình. Bà đã thành lập và duy trì được một đội múa cồng chiêng với trên 30 người, đồng thời trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn về ý nghĩa, cách thức sử dụng, di chuyển khi đánh cồng chiêng và múa theo nhịp cồng chiêng. Bà còn thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ về kế hoạch hóa gia đình; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống; vận động chị em tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…
Ông Khằm Thanh Sơn (giữa) chia sẻ về việc vận động bà con không cầm cố đất, bán đất, bán điều non
Ông Khằm Thanh Sơn là người dân tộc Nùng, người có uy tín ở thôn 10 (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập). Ông không những tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà còn là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, vận động bà con không nên bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất.
Nhiều năm qua, tình trạng sang nhượng, cầm cố đất, bán điều non hết sức nhức nhối trong vùng đồng bào DTTS nơi đây. Hiện nay, dù điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thôn còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của phần lớn bà con nơi đây đã khởi sắc hơn trước, tình trạng cầm cố, sang nhượng đất đã giảm hẳn. Sau 4 năm tích cực tuyên truyền, vận động, người có uy tín Khằm Thanh Sơn đã làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của phần lớn các gia đình trong thôn.
Ông Khằm Thanh Sơn cho biết: “Hầu hết bà con ở đây là người đồng bào S’tiêng, đời sống còn nhiều khó khăn. Sau 4 năm thực hiện nhiệm vụ người có uy tín, tôi tuyên truyền, vận động bà con không cầm cố đất, không bán đất. Đến nay, trên địa bàn không thấy bà con bán đất, hay cầm cố nữa”.
Hộ anh Điểu Xen là một trong nhiều hộ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm khi được người có uy tín Khằm Thanh Sơn thường xuyên nhắc nhở không cầm cố đất. Theo anh Xen, sau 12 năm sinh sống tại đây, dù cuộc sống của gia đình chưa thay đổi nhiều do đông con, ít đất sản xuất. Nhưng nhờ có ông Sơn hay nhắc nhở, tuyên truyền nên gia đình đã không cầm cố, sang nhượng đất, mà tích cực lao động, làm ăn nên cuộc sống có phần khấm khá hơn.
Ông Điểu Kiêng (bìa trái) và ông Khằm Thanh Sơn đi nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở
Ông Điểu Kiêng, Trưởng phòng Dân tộc - Tôn giáo huyện Bù Gia Mập, cho biết: Đối với người có uy tín Thị Mương, Khằm Thanh Sơn nói riêng và người có uy tín trên địa bàn huyện nói chung luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc vận động, tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS. Người có uy tín đã phối hợp tốt với chính quyền xã trong việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cũng được bản thân người có uy tín tham gia tích cực.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, thời gian qua, Bình Phước đã triển khai khá đồng bộ và hiệu quả các chính sách cho người có uy tín và già làng. Bên cạnh chính sách của trung ương, tỉnh còn có chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS. Trên cơ sở các chính sách đó, trong năm 2022, một số công việc cụ thể đã được Ban Dân tộc tỉnh và UBND cấp huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả như: Thường xuyên cung cấp thông tin, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm… cho người có uy tín, già làng.
Toàn tỉnh hiện có 364 người có uy tín, 94 già làng tiêu biểu. Những năm qua, thực tiễn đã chứng minh, đội ngũ người có uy tín cũng như già làng tiêu biểu không những làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con, cộng đồng dân cư thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà họ còn là những tấm gương sáng trong phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào DTTS./.