Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất quan điểm: Bộ Luật lao động có vai trò rất quan trọng và là cơ sở pháp lý chủ yếu, trực tiếp thúc đẩy thị trường lao động phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động. Từ đó, các đại biểu dự hội nghị đã có 9 lượt ý kiến trực tiếp về phạm vi điều chỉnh luật tại Điều 1, thời gian làm việc bình thường tại Điều 105, mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa tại Điều 107, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Điều 169; cho ý kiến về số lượng tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Theo các ý kiến, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình, nhưng phải xét đến đối tượng và linh hoạt.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Bộ Luật lao động sửa đổi gồm 17 chương, 221 điều, sửa đổi 171 điều trong tất cả các chương và có liên quan đến 14 chính sách lớn.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, thay mặt đoàn, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Đoàn sẽ tổng hợp và có ý kiến với Ban soạn thảo luật tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV./.