Cho biên cương thêm xanh

Thứ hai - 26/06/2023 09:56
(CTTĐTBP) - Trong chuyến công tác về huyện Bù Gia Mập, chúng tôi đi trên những cung đường quanh co, uốn lượn giữa núi rừng điệp trùng xen lẫn các vườn điều, cao su xanh tốt. Vùng đất này đang ngày một đổi thay với hệ thống đường sá được đầu tư bài bản, nhiều khu tái định cư khang trang mọc lên và đời sống người dân được nâng cao, góp phần giữ vững bình yên biên giới.
 
anh 3 vung bien
Đường giao thông nối từ xã Phú Văn đến trung tâm hành chính huyện Bù Gia Mập đang được nâng cấp, mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương
 
Vượt qua đói nghèo

Xã Bù Gia Mập có 1.351 hộ dân, với gần 7.700 người, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 73%, chủ yếu là đồng bào S’tiêng. Trước đây, đa số đồng bào S’tiêng cuộc sống khó khăn, lương thực chỉ đủ ăn từ 6 - 8 tháng trong năm, thực phẩm thiếu, bữa ăn gia đình sơ sài, đôi khi chỉ có một món canh mướp rừng. Nhưng giờ đây, đường vào xã đã được bê tông hóa, trường học, trạm xá được đầu tư kiên cố. Bên lưng chừng đồi có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát và nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, có hộ cả chục ha cao su, điều cho thu nhập cao, mua được xe hơi và nhiều vật dụng đắt tiền.

Gia đình anh Điểu Ganh (người dân tộc S’tiêng, ở thôn Bù Dốt) là hộ nghèo của xã. Vườn rẫy ít nên vợ chồng anh làm thuê đủ việc để trang trải cuộc sống. Hơn 10 năm trước, anh Điểu Ganh xin vào làm trong Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, cuộc sống dần ổn định. Anh Ganh chia sẻ: “Nhà mình có hơn 1ha điều nhưng có 5 người, điều sai trái thì đỡ, còn mất mùa thì phải chạy vạy vay tiền để chi tiêu hằng ngày. Từ khi được nhận vào làm công việc giữ rừng mình có thêm thu nhập để nuôi 3 đứa con ăn học”.
 
anh 4 vung bien
Mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, hỗ trợ 38 con bò cái giống, máy móc vật tư cho 19 hộ dân tại xã Bù Gia Mập

Trước đây, anh Điểu Chrâm (người dân tộc S’tiêng, thôn Bù Dốt) có cuộc sống cơ cực do cha mất sớm, mẹ già yếu, lại thường xuyên bệnh, anh phải làm thuê kiếm sống qua ngày. Do chí thú làm ăn, anh đã dành thời gian chăm sóc 2ha điều, cao su của gia đình, khi rảnh rỗi kiếm việc làm thêm nên thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng và không chỉ thoát nghèo mà còn dư dả.

Không chỉ hộ anh Điểu Ganh, Điểu Chrâm ở xã Bù Gia Mập mà còn nhiều hộ có cơ ngơi khá giả, như hộ anh Điểu Vi Rút có 8ha điều, nhà cửa khang trang; hộ anh Điểu Vơn có 7ha điều, cao su đang cho thu hoạch, sắm được xe hơi đắt tiền. Với bản tính chất phác, cần cù, cùng nghị lực vươn lên thoát nghèo đang góp sức mình để vùng đất biên cương Bình Phước “thay da, đổi thịt” từng ngày.

An cư cho người di cư

Theo chân Thiếu tá Trần Quang Bắc, Phó Đội trưởng Đội sản xuất số 5 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Đoàn 778), Quân khu 7 đóng ở huyện Bù Gia Mập, chúng tôi vào khu tái định cư Đắk Á (xã Bù Gia Mập) có diện tích 8,7ha, được xây dựng từ năm 2020 dưới sự giám sát thi công của đơn vị. Anh Bắc cho biết: “Các hộ dân về đây sinh sống có người là dân tộc S’tiêng, có người là dân tộc Mông. Trước đây, kinh tế khó khăn, các hộ dân không có đất sản xuất, phải đi cạo mủ cao su thuê. Từ khi vào khu tái định cư, cuộc sống của các hộ dân đỡ vất vả hơn nhiều”.
 
anh 1 vung bien
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quân khu 7 và UBND huyện Bù Gia Mập thăm, động viên người dân ở khu tái định cư Đắk Á, xã Bù Gia Mập
 
Khu tái định cư Đắk Á có 60 hộ dân vào ở, đến năm 2025 sẽ tăng lên 120 hộ, mỗi hộ được cấp 500m2 (400m2 đất thổ cư) và 1 căn nhà cùng công trình điện, nước, đường, đèn năng lượng trị giá 110 - 135 triệu đồng. Gia đình chị Mông Thị Hương (người dân tộc Mông) quê ở tỉnh Nghệ An vào thôn Bù Rên (xã Bù Gia Mập) lập nghiệp nhưng không có đất đai, vườn tược phải đi hái tiêu, cà phê, nhặt điều thuê để sinh sống. Được cấp đất, nhà, gia đình chị nuôi bò, mở cửa hàng tạp hóa, mỗi tháng thu lời hơn chục triệu đồng và trở thành hộ thoát nghèo nhanh nhất khu tái định cư.

Rời khu tái định cư Đắk Á, chúng tôi đến khu tái định cư Tiểu khu 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) do Đoàn 778 xây dựng, rộng 36,5ha, hiện bố trí cho 146 hộ dân sinh sống, chủ yếu là Việt kiều Campuchia và đồng bào DTTS. Khu tái định cư có những căn nhà cấp 4, hệ thống điện, nước đầy đủ được bao quanh bởi các vườn điều, cao su xanh mướt. Cuộc sống không còn lo từng bữa, nay mỗi cặp vợ chồng đi cạo mủ cao su thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Có hộ khấm khá nhờ kinh doanh tạp hóa vừa mua điều tươi về sơ chế, bán cho bà con trong vùng.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kênh năm nay hơn 70 tuổi, từ Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) trở về xã Phước Minh (huyện Bù Gia Mập) dựng nhà bè trên lòng hồ Cần Đơn để nuôi cá. Cuộc sống chật vật, thiếu thốn nên ông Kênh phải làm thêm nhiều việc như cạo mủ cao su, nhặt điều thuê. Năm 2017, gia đình ông được chính quyền cấp đất rộng 400m2 cùng ngôi nhà 40m2 tại Tiểu khu 119 để ổn định chỗ ở. Ông đã mở một quán tạp hóa để kinh doanh, mỗi ngày lời 200 - 300 ngàn đồng, xua tan những tháng ngày cơ cực mưu sinh trên sóng nước Biển Hồ.

Giữ bình yên biên giới 

Đi dọc tuyến biên giới, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả. Trong đó, có dự án “Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào DTTS và miền núi khu kinh tế quốc phòng” dành cho 33 hộ thuộc 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Dự án có 2 mô hình, chăn nuôi bò lai sinh sản, hỗ trợ 38 con bò cái giống, máy móc, vật tư cho 19 hộ dân tại xã Bù Gia Mập và nuôi dê lai sinh sản, hỗ trợ 70 con dê giống, máy móc, vật tư cho 14 hộ dân tại xã Đắk Ơ, đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng dự án.

Đại tá Nguyễn Duy Dương, Chính ủy Đoàn 778 cho biết: Hàng năm, Đoàn 778 phối hợp các bệnh viện khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người; mở 2 - 3 lớp dạy nghề chăm sóc, khai thác cao su cho các hộ đồng bào DTTS; 100 hộ có việc làm, thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng nhờ cạo mủ cao su thuê cho đơn vị mà cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn. Đoàn 778 nhận đỡ đầu 62 con em đồng bào DTTS, hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng (gồm gạo và nhu yếu phẩm) và đầu năm học, đơn vị trao tặng hàng ngàn cuốn tập, quần áo để “nâng bước em đến trường”.
 
Đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và đầu tư các dự án cơ bản bàn giao cho địa phương. Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị thường xuyên tổ chức gặp mặt chức sắc, chức việc, già làng, trưởng thôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, công trình tôn giáo và đón tết cổ truyền với bà con DTTS để tình quân - dân thêm bền chặt. Nghĩa cử cao đẹp từ mệnh lệnh trái tim, nhiệm vụ người lính nên lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
 
Đại tá NGUYỄN DUY DƯƠNG, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778
 

Tạm biệt Bù Gia Mập khi hoàng hôn dần buông xuống, chúng tôi thầm cảm phục những người nông dân chân chất, cần cù lao động để có xóm làng trù phú và người lính biên phòng “ngày đêm không nghỉ” canh giữ bình yên cho biên cương ngày một thêm xanh./.

Tác giả: Hoàng Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,287
  • Hôm nay33,832
  • Tháng hiện tại9,809,912
  • Tổng lượt truy cập493,673,350
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây