Truyền thanh thông minh: Giải pháp chuyển đổi số cho đài truyền thanh cơ sở

Thứ hai - 22/08/2022 09:43
(CTTĐTBP) - Hiện nay, loa truyền thanh thông minh đang là giải pháp đột phá về chuyển đổi số (CĐS) của hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Loa truyền thanh thông minh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, viễn thông (CNTT-VT) thế hệ mới để thay thế, khắc phục những nhược điểm của truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây) FM.

Đài truyền thanh cơ sở là cánh tay nối dài của hệ thống đài phát thanh từ trung ương đến cơ sở, là con đường ngắn nhất để đưa thông tin đến người dân; đóng góp tích cực trong công tác truyền thông, tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của một bộ phận nhân dân. 
 
Nhờ có hệ thống loa của đài truyền thanh cơ sở, người dân có thể nắm được thông tin thời sự quốc tế, trong nước, địa phương; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin hữu ích về các lĩnh vực của đời sống xã hội; thông tin cảnh báo, thông báo của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng… Thời điểm dịch COVID-19, hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã phát đi nhiều thông tin hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống dịch, góp phần đẩy lùi đại dịch.

IMG 1891
Thi công lắp đặt loa truyền thanh thông minh trên địa bàn huyện Bù Đốp. Ảnh: Hùng Vương.
 
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 111 đài truyền thanh cấp xã với 1.734 cụm và 3.468 loa truyền thanh cơ sở. Trong đó, loa truyền thanh FM không dây có 1.538 cụm, 3.042 loa. Loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT (còn gọi là loa truyền thanh thông minh) có 196 cụm, 426 loa. Tỉnh đang triển khai dự án đầu tư công giai đoạn 2022-2023 cho 111 xã, phường, thị trấn với 1.484 cụm, 3.423 loa truyền thanh thông minh.

Việc đầu tư loa truyền thanh thông minh là giải pháp CĐS tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời. Qua đó, làm tăng hiệu quả công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền ở cơ sở và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0. Loa truyền thanh thông minh cũng đang dần thay thế loa truyền thanh có dây và truyền thanh không dây FM truyền thống, vốn đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Ông Nguyễn Hùng Vương, Trưởng đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bù Đốp, chia sẻ: Trước đây, khi công nghệ số chưa phát triển, loa truyền thanh có dây bộc lộ nhiều hạn chế như chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trong toàn tuyến; việc kéo dây rất gian nan và tốn kém ở những nơi xa trung tâm. Hệ thống phát thanh hay bị chạm, chập, mất tín hiệu. Dây truyền thanh chằng chịt, mất mỹ quan, nguy hiểm, khó bảo dưỡng, sửa chữa. 

Khi công nghệ số phát triển, loa truyền thanh không dây FM tiên tiến hơn. Chất lượng âm thanh tốt và đồng đều trên toàn tuyến, đồng thời có thể lắp đặt ở bất kỳ điểm nào nếu có điện; việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, loa truyền thanh không dây FM vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm như đầu tư lớn hơn, cán bộ kỹ thuật phải có chuyên môn nhất định. Tại các trung tâm hành chính huyện, xã phải có mặt bằng để xây dựng cột anten dây co; khi xây dựng và đưa vào sử dụng phải có giấy phép và hàng năm phải đóng phí sử dụng tần số, vô tuyến điện cho cơ quan quản lý. Khi sử dụng không đúng tần số, hệ thống sẽ bị nhiễu sóng, do đó nhân viên kỹ thuật phải trực phát sóng 24/24 trong quá trình vận hành.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang cho biết thêm: Loa truyền thanh thông minh sẽ khắc phục triệt để những hạn chế của 2 loại loa truyền thanh nêu trên. Loa truyền thanh thông minh thế hệ mới phát triển trên công nghệ IP, là công nghệ truyền dẫn thông tin số thông qua chuyển mạch gói, các thiết bị đầu - cuối được định địa chỉ theo IP. Thiết bị phát gửi sẽ số hoá thông tin, sau đó chia thành nhiều gói IP để truyền dữ liệu đến điểm thu thông qua môi trường truyền dẫn trên Internet/3G/4G, đồng thời lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây phục vụ cho việc khai thác, sử dụng lâu dài. Nhờ công nghệ IP, chất lượng âm thanh truyền đi vượt trội, nhanh chóng, tín hiệu truyền đi nguyên gốc so với nguồn phát.

Bên cạnh đó, loa truyền thanh thông minh còn hỗ trợ kết nối đa dạng: WiFi, 4G, Ethernet. Nguồn phát thông tin đa dạng: tệp tin, microphone, thiết bị số hóa, văn bản, tiếp sóng. Đồng thời, hệ thống còn có ứng dụng cài trên thiết bị di động cho phép quản lý và điều khiển toàn bộ hệ thống truyền thanh ở mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng này cũng cho phép quản lý toàn bộ các chức năng của hệ thống truyền thanh; thực hiện phát thanh trực tiếp từ điện thoại trong trường hợp khẩn cấp, không cần phải đến tận phòng thu; cho phép chuyển dữ liệu nội dung văn bản sang giọng nói trực tiếp (MC ảo) nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo…

Với lợi thế ưu việt, giải pháp loa truyền thanh thông minh sẽ giải quyết triệt để những hạn chế của loa truyền thanh truyền thống. Từ đó, tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực cho đài truyền thanh cơ sở; phát huy hiệu quả tốt hơn trong việc truyền tải tin tức, thông tin tuyên truyền đến người dân, góp phần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở./.

Tác giả: Trung tâm CNTT&TT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập961
  • Hôm nay14,344
  • Tháng hiện tại19,856,876
  • Tổng lượt truy cập479,749,563
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây