Dấu ấn chuyển đổi số của Bình Phước

Chủ nhật - 21/08/2022 09:28
(CTTĐTBP) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo kết quả công bố, tỉnh Bình Phước xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 25/63). Đây là kết quả bứt phá ấn tượng, cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà và sự đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp.

Khác với năm 2020, đánh giá DTI năm 2021 không phải là tổng điểm của 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), mà là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Trong 9 chỉ số chính lại được phân thành 2 nhóm: chỉ số nền tảng chung và chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung bao gồm: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh. Nhóm chỉ số về hoạt động bao gồm: hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Điểm số DTI năm 2021 của Bình Phước ấn tượng nhất là Chỉ số hoạt động chính quyền số, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, kế đến là hạ tầng số 8/63, thể chế số 10/63, hoạt động xã hội số 11/63, nhân lực số 13/63. Về xếp hạng 3 trụ cột, chính quyền số của Bình Phước xếp thứ 8/63, kinh tế số xếp 14/63, xã hội số xếp 15/63.
 
Xep hang chi so DTI2021
Xếp hạng DTI 2021 và các chỉ số chính của các tỉnh, thành phố trong tốp 10
 
Kết quả trên đã minh chứng rõ nét về chủ trương “đi tắt đón đầu” và quyết tâm cao của Bình Phước trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS), nhằm giúp Bình Phước bắt kịp, không bỏ lỡ “chuyến tàu 4.0”. Đồng thời, chứng minh quan điểm, mục tiêu mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về CĐS đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước là hết sức nhạy bén, biện chứng, cụ thể, bám sát thực tiễn. Đó cũng là cú hích, đòn bẩy tạo động lực cho cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và cả người dân, doanh nghiệp quyết tâm, đồng lòng, chung sức tham gia CĐS.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chiến dịch cụ thể; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện; ưu tiên bố trí, phân bổ đủ nguồn lực để triển khai, xây dựng các nền tảng số dùng chung của tỉnh. Khởi đầu cho quá trình CĐS, tỉnh tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình rất linh hoạt.

Đồng thời, tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ TT&TT; ký kết hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, giải pháp số, công nghệ số. Tỉnh cũng chú trọng hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về CĐS; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về CĐS; hỗ trợ nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ, hộ sản xuất - kinh doanh tham gia CĐS, tăng cường mua bán, giao dịch trên môi trường số, thương mại điện tử, logistics…

Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh cũng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, rà soát để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, sát thực tế. Các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đều xây dựng kế hoạch CĐS cụ thể cho ngành, lĩnh vực mình quản lý; tập trung cung cấp 25 nền tảng số gồm: 15 nền tảng phục vụ chính quyền, 4 nền tảng phục vụ doanh nghiệp và 6 nền tảng phục vụ người dân.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) được xây dựng trục liên thông, tích hợp và chia sẻ liên thông 4 cấp phần mềm quản lý văn bản. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cả phần cứng, phần mềm, xây dựng tại 100% UBND cấp huyện, xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính. Song song đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, lấy tiêu chí số hóa để đánh giá cán bộ hàng năm… Nhờ đó, chỉ số hoạt động chính quyền số của tỉnh lọt vào tốp ba cả nước; hạ tầng số, thể chế số nằm trong tốp 10; nhân lực số bám sát với nhóm tốp 10.

Thực hiện CĐS, Bình Phước xác định rõ quan điểm: Coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình CĐS. Lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm. Trên tinh thần đó, tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đến nay có 1.632 thủ tục hành chính đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (chiếm 92,36%) và có 1.432 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia, dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ xử lý dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh đạt 99,93%, cấp huyện từ 49,94% tăng lên 99,90%, cấp xã từ 87% lên 98,79%. Mạng 4G phủ sóng 100% diện tích toàn tỉnh, giúp người dân khai thác dữ liệu nhanh chóng, tiện lợi.
 
Chu tich UBND tinh
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm của Bình Phước trong việc đẩy mạnh kết nối dịch vụ công trực tuyến của tỉnh vào Cổng dịch vụ công Quốc gia (tại Lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ diễn ra vào ngày 19/8/2020).
 
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS được triển khai đa dạng, từ sớm; nhóm 5 mô hình thí điểm CĐS toàn diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan hành chính, mô hình cấp huyện, cấp xã đang phát huy hiệu quả. Công tác đẩy mạnh CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế triển khai theo đúng lộ trình. Các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức trong tỉnh đều thực hiện khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thí điểm mô hình chợ 4.0 ở nhiều địa phương…

Nhằm tạo sự đồng thuận, truyền cảm hứng và xây dựng văn hóa CĐS, tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng về công tác tuyên truyền. Đồng thời, xác định truyền thông CĐS xuyên suốt trong toàn quá trình thực hiện nhằm thay đổi tư duy, nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và cả người dân để có sự chung tay, ủng hộ, vào cuộc một cách đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 111 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 845 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, ấp, khu phố với 6.506 hạt nhân nòng cốt tuyên truyền, hướng dẫn người dân về dịch vụ công, kỹ năng số và đang đẩy mạnh bồi dưỡng về CĐS trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng… Từ những việc làm thiết thực, cụ thể trên, kinh tế số của Bình Phước đã vươn lên xếp thứ 14/63, xã hội số xếp thứ 15/63.

Kết quả xếp hạng DTI năm 2021 được Bộ TT&TT đánh giá rất khách quan, toàn diện trên nhiều nội dung, khía cạnh khác nhau. Đồng thời, phản ánh chính xác những nỗ lực của Bình Phước và tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan nhà nước tỉnh; phản ánh hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, cho thấy bài học kinh nghiệm: Muốn CĐS thành công cần tháo gỡ ngay những lực cản “ngại thay đổi” về thói quen, hành vi trên môi trường số; việc CĐS phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước; tất cả hướng tới một mục tiêu chung "phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày càng tốt hơn"... Có như vậy, CĐS mới phát huy được kết quả thực chất, bền vững./.

Tác giả: Trung tâm CNTT&TT

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập832
  • Hôm nay530,852
  • Tháng hiện tại11,851,179
  • Tổng lượt truy cập457,246,301
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây