Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Bình Phước lần thứ 3 năm 2016.
Festival năm nay với nhiều hoạt động phong phú như: Chương trình nghệ thuật đặc biệt đêm khai mạc Festival, không gian đờn ca tài tử Nam bộ, không gian ẩm thực và đặc sản Nam bộ, tọa đàm gắn kết đờn ca tài tử với phát triển du lịch, liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử...
Theo “Địa chí Bình Phước”, Bình Phước là một trong 21 tỉnh phía Nam có nghệ thuật đờn ca tài tử. Nghệ thuật biểu diễn này có lẽ đã được các cư dân của vùng “sông nước” Nam Bộ mang theo khi di cư tới đây.
Toàn tỉnh hiện có 11 câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động thường xuyên với khoảng hơn 100 thành viên thuộc các huyện, thị trong tỉnh. Nơi đây, đờn ca tài tử đã trở thành món ăn tinh thần của nhiều người, không kể già trẻ, gái trai và mọi người có thể hát mọi chỗ, mọi lúc không cần sân khấu.
Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam bộ hát ca sau những giờ lao động.
Việc UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (trong phiên họp thứ 8 diễn ra tại thành phố Bacu, nước Cộng hòa Adécbaigian ngày 5/12/2013) thực sự là một tin vui lớn đối với người dân Nam bộ nói chung, người dân Bình Phước nói riêng./.
Nhật Phong