Đào thám sát 2 di tích thành đất hình tròn Long Hà 1 và Long Hưng

Thứ năm - 14/09/2017 17:34

Đào thám sát 2 di tích thành đất hình tròn Long Hà 1 và Long Hưng

(CTTĐTBP) - Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết Ban phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) vừa tổ chức đào thám sát 2 di tích thành đất hình tròn Long Hà 1 và Long Hưng thuộc huyện Phú Riềng nhằm phục vụ công tác lập hồ sơ khoa học.

Công tác khảo cổ ở thành đất hình tròn Long Hưng
 
Trải qua 1 tuần đào 10 hố tại 2 di tích, mỗi hố có diện tích 2 m2, kết quả thu được nhiều hiện vật bằng đá và bằng gốm.
 
Tại di tích thành đất hình tròn Long Hưng, tổng số mảnh gốm thu được là 7.064 mảnh, mật độ trung bình 706,3 mảnh/m2. Kết quả chỉnh lý sơ bộ cho thấy, đồ gốm thuộc 2 nhóm: Chất liệu pha cát 5.063 mảnh, chiếm 73% và pha bã thực vật 2.001 mảnh, chiếm 27% tổng số mảnh gốm thu được. Gốm cứng chắc, mảnh vỡ lớn, thuộc nhiều loại hình. Mảnh thân trơn chiếm đa số với 3.951 mảnh (56%), mảnh thân có hoa văn chiếm 26% (đa số hoa văn kỹ thuật đập thừng và chải với 1.688/1.834 mảnh). Các mảnh còn lại là văn trang trí với các kiểu thức như chấm dãi thành băng, chấm dãi kết hợp với xóa, khắc vạch hình sóng nước và tô màu. Tổng số công cụ đá thu được là 333 hiện vật, chủ yếu là rìu, đục, bàn mài.
 
Tại di tích thành đất hình tròn Long Hà 1, tìm thấy 638 mảnh gốm, mật độ 62,5 mảnh/m2, với cả hai loại chất liệu: Sét pha cát 299 mảnh (46,8%) và sét pha thực vật 339 mảnh (53,2%). Mảnh thân trơn có tỷ lệ cao với 511 mảnh, các mảnh trang trí hoa văn rất ít, chỉ có 29 mảnh, chủ yếu là văn thừng chải. Mảnh miệng gốm có 70 mảnh, đa số bị mủn nát, rất khó nhận diện loại hình, chân đế cũng rất ít (chỉ có 2 mảnh). Các mảnh vai đắp nổi trên đồ gốm không được tìm thấy trong lần thám sát này. Tổng số công cụ đá thu được là 80 hiện vật.
 
Nhìn chung, hiện vật đá tại di tích thành đất hình tròn Long Hưng và Long Hà 1 là các loại hình công cụ làm từ đá phiến như rìu, đục, một ít dao hình bán nguyệt, đa số có kích thước trung bình và nhỏ. Ngoài ra, còn có loại dùng để gia công như bàn mài bằng sa thạch và một ít mảnh tước từ quá trình ghè đẽo và thanh xuân hóa công cụ. 
Một số hiện vật được tìm thấy.
 
Từ kết quả đào thám sát có thể tiếp tục khẳng định, thành đất hình tròn Long Hưng và Long Hà 1 là những di tích cư trú có phòng thủ của các cộng đồng cư dân cổ. Việc tạo dựng nơi cư trú trong một không gian khép kín dạng tròn là một nét độc đáo của cộng đồng này. Để bảo đảm an toàn cho khu vực cư trú, chủ nhân các di tích này còn tiến hành đào hào và dùng đất đó đắp nên vòng tường bao bọc bên ngoài, việc ra vào di tích được kiểm soát qua một số lối ra vào nhất định.
 
Không gian của nơi cư trú qua kết quả đào thám sát tại Long Hưng và Long Hà 1 được xác lập là một vùng dạng hình khuyên nằm bên trong hào, rộng khoảng 30 m, cao hơn vùng đất trung tâm khoảng 1 m. Khu vực trung tâm dấu vết cư trú thưa thớt, không tập trung.
 
Trong đợt đào thám sát lần này, một số mẫu than có độ tin cậy cao cũng đã được thu thập trong tầng văn hóa ở 2 di tích Long Hưng và Long Hà 1. Những mẫu phân tích mới hy vọng sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề về niên đại, sinh hoạt văn hóa... của cộng đồng người tiền sử trên địa bàn tỉnh Bình Phước./.
 

Lê Phương 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,352
  • Hôm nay114,913
  • Tháng hiện tại10,581,504
  • Tổng lượt truy cập455,976,626
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây