Các video đâm trâu trên trang youtube.com.
Để tìm hiểu vấn đề này, vào ngày 3/2, chúng tôi đã thực hiện việc khảo sát lễ hội đâm trâu trên trang “youtube.com” (thuộc tập đoàn Google, cho phép hàng tỷ người trên thế giới khám phá, xem và chia sẻ video gốc). Sau khi đánh từ khóa tìm kiếm “lễ hội đâm trâu” trên trang này, kết quả có khoảng 3.560 video quay về nghi thức đâm trâu diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước được hiển thị. Các video do bạn đọc, du khách, thành viên của trang “youtube.com” tại Việt Nam quay phim, dựng video ảnh nhằm ghi nhận một cách sinh động và chân thực về diễn biến lễ hội. Mỗi video đều thu hút một lượng lớn người xem, từ vài ngàn đến vài trăm ngàn. Sau khi xem video, nhiều người đã để lại lời bình luận, tỏ thái độ không đồng tình và bất bình về sự tồn tại của lễ hội này.
Video “Lễ Hội đâm trâu của người H're” do bạn Trinh Van đăng vào ngày 23-4-2013 đã thu hút 89.893 lượt xem, 45 bình luận nhận xét, 10 người bấm thích và 94 người bấm không thích. Người xem Khanh Ly tỏ ra bức xúc khi xem xong video này: “Xem mà tức và tội cho con trâu lúc nó ngẩng đầu lên, như một lời van xin tha mạng”. Cùng chung cảm nhận, bạn Đoàn Cao Khiêm chia sẻ: “Cái này hành hạ động vật chứ lễ hội kiểu gì?”. Trong khi đó, bạn đọc Thiet Nguyen Huy khẩn thiết đề nghị: “Nên bỏ tục lệ này gấp và ngay”.
Tại một video khác, “Đâm trâu ở sóc Bù Môn” do bạn Quốc Huy Đỗ đăng tải ngày 15-6-2009, thu hút 200.193 lượt xem, 101 bình luận nhận xét, 15 người bấm thích, 74 người bấm không thích. Đa số các bình luận nhận xét về video này đều cho rằng không nên tổ chức lễ hội đâm trâu. Bạn Ha Tuan Vu ca thán: “Con trâu là con vật hiền và giúp ích rất nhiều cho con người, vậy mà con người lại đối xử với nó thế này đây”. “Con trâu này mà thả ra chắc nó húc cả làng”, lời bình luận dí dỏm của bạn Khanh Tran. Còn bạn Tran Cong Duc tỏ ý lo xa: “Không nên cho con nít coi những hình ảnh này”.
Một số ít bạn đọc bày tỏ quan điểm đồng tình, vì cho rằng lễ hội là truyền thống văn hóa lâu đời của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc và đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng. Lễ hội với nghi thức tế đầu trâu, thể hiện sự hiến sinh, "thông quan" giữa con người với giàng (trời) và thần linh; thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ của cộng đồng; đồng thời là sự tri ân của buôn làng với giàng và thần linh.
Xin mượn lời của bạn Hùng Trần bình luận về video “Đâm trâu ở sóc Bù Môn” thay cho lời kết: “Lễ hội đâm trâu là truyền thống, không bỏ được. Nhưng giờ nhiều nơi họ đâm trâu giả rồi, dân trí khá lên rồi. Đâm trâu thật vừa tốn kém vừa dã man, nên người ta bỏ rồi”./.
Nhật Phong