Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 04/11/2020 08:05
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) liên kết và trình độ của người dân.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển liên kết trong sản xuất kinh doanh, bên cạnh những thành tích đạt được như cung ứng đầu vào giảm giá thành, chất lượng ổn định.. và bao tiêu giá tốt ở các mô hình HTX nông nghiệp như các HTX điều, tiêu, cây ăn trái, rau... thì việc liên doanh liên kết đối với ngành chăn nuôi hay HTX chăn nuôi lại gặp nhiều khó khăn, bất cập. HTX Chăn nuôi - Dịch vụ Thanh An được cấp phép hoạt động từ tháng 10/2018, ra đời trên cơ sở tổng hợp các mô hình chăn nuôi 11 hộ gia đình.
Với diện tích chăn nuôi của các thành viên là trên 2.500 m2, chăn nuôi theo mô hình “khép kín kết hợp thả vườn” với tông diện tích trông trọt của các thành viên là 29 ha, đây là yếu tố thuận lợi cho sự thành lập HTX. Đến nay HTX đã có 13 thành viên, với diện tích chuồng trại nuôi heo khoảng 2.500 m2, 30 chuồng nuôi gà khoảng 60.000 con. Tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, và khoảng 13 lao động thời vụ. Thu nhập lao động khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.
Tuy có nhiều tiềm năng song việc phát triển chăn nuôi cũng như phát huy vai trò của HTX trong liên doanh liên kết sản xuất còn gặp nhiều bất cập khó khăn như:
- Ảnh hưởng từ các đại dịch như dịch Tả lợn châu Phi; cúm gia cầm... giá lợn tuy lên cao song kéo theo đó là việc khan hiếm con giống, giá con giống tăng cao, giống không đảm bảo chất lượng, không thích nghi với điều kiện của tỉnh Bình Phước dẫn đến chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà giá gia cầm nói chung, giá gà nói riêng bị giảm liên tục, kéo dài dẫn đến hiện nay nhiều thành viên HTX đang đối mặt với nguy cơ lỗ vốn, ngừng sản xuất kinh doanh.
- Việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ cho HTX và thành viên còn khó khăn do cơ chế chính sách đòi hỏi yêu cầu vượt quá khả năng của HTX nhất là thời kỳ dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế hộ thành viên và HTX.
Từ những khó khăn trong việc tổ chức sản xuất của thành viên dẫn đến việc liên doanh, liên kết trong sản xuất chăn nuôi của các HTX chăn nuôi nói chung và HTX Thanh An nói riêng chưa phát huy được vai tròn liên kết thành viên trong sản xuất tập trung, cung ứng các nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn, kỹ thuật...
Bên cạnh đó việc ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra của HTX cũng gặp khó khăn do:
- Việc chăn nuôi không ổn định do biến động dịch bệnh, giá cả thị trường bất ổn; hàng nhập khẩu vào nhiều và cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi trong nước khiến số lượng đàn heo và gia cầm không ổn định dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo số lượng theo hợp đồng. Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều thống nhất và chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả.
- Các thành viên còn thiếu trách nhiệm cam kết, thường chạy theo thị trường và thương lái, khi giá cả thương lái cao hơn so với cam kết của công ty bao tiêu thì bán cho thương lái... Sự tin tưởng và tương trợ giữa các thành viên HTX với nhau còn chưa cao, chưa có tiếng nói chung để thực hiện mua chung và bán chung.
- Áp lực từ các loại hàng hoá chăn nuôi nhập khẩu từ các nước nước có ngành nông nghiệp phát triển hơn như Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Mỹ với chất lượng và giá cả cạnh tranh đã làm cho ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Từ thực trạng của HTX cho thấy việc liên doanh liên kết trong sản xuất chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, để HTX phát huy được vai trò là người liên kết trong sản xuất chăn nuôi đòi hỏi có sự vào cuộc của cả nhà nước, doanh nghiệp, HTX và người dân. Một số giải pháp phát triển liên kết trong chăn nuôi cần thực hiện trong thời gian tới như:
- Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với ngành chăn nuôi để phát huy vai trò trong liên doanh liên kết; tăng cường hỗ trợ các đơn vị chăn nuôi trong các đợt dịch bệnh. Hỗ trợ của nhà nước nên thông qua các tổ chức kinh tế tập thể, HTX thay vì hỗ trợ trực tiếp xuông người dân. Các điều kiện hỗ trợ của nhà nước cho loại hình HTX nông nghiệp nói chung và HTX chăn nuôi nói riêng cần phù hợp với thực tế, hiện các điều kiện để nhận hỗ trợ HTX là khá cao, các HTX chưa đáp ứng được, với thực trạng HTX hiện nay các chính sách hỗ trợ cần nhắm đến các HTX trung bình để phát triển dần lên.
- Quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; Tăng cường tuyên truyền vận động HTX, người dân đầu tư kỹ thuật, chăn nuôi sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn trong nước và quốc tế.
- Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đa dạng sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ ngoài nước.