NHỮNG GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ tư - 04/11/2020 08:18
Dự kiến đến hết năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 1.355 THT, trong đó thành lập mới 119 THT; hầu hết các THT thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, số thành viên THT ước có 12.190. Doanh thu bình quân của THT đến hết năm 2020 ước đạt 140 triệu đồng; lãi bình quân 48 triệu đồng
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Việc hình thành và đi vào hoạt động của các THT đã mang lại lợi ích thiết thực, giúp cho các hộ nông dân khắc phục những khó khăn về kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, vốn; nâng cao năng lực của kinh tế hộ gia đình; từng bước cải thiện đời sống người nông dân, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn có THT thiếu sự liên kết, tự thành lập và hoạt động, số lượng các THT thay đổi liên tục, khó thống kê và nắm tình hình hoạt động. Ngoài ra, các THT không có tư cách pháp nhân nên khó tiếp cận với các chính sách khuyến khích, phát triển đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi. Số lượng HTX ước khoảng 186 HTX, tổng vốn điều lệ: 880.744.300.000 đồng, trong đó số lượng HTX thành lập mới 33 HTX; số lượng HTX đang hoạt động 186 HTX, ngưng hoạt động 0 HTX; giải thể 45 HTX; số HTX hoạt động hiệu quả 63 HTX (chiếm 34%); 100% HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Dự kiến đến hết năm 2020 có 9.461 thành viên HTX; số lao động làm việc trong khu vực HTX ước có 4.189 thành viên; trong đó số lao động thường xuyên mới khoảng 1.541 người; số lao động thường xuyên là thành viên ước có 3.341 người. Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 6.741 triệu đồng/năm, trong đó doanh thu đối với thành viên là 3.141 triệu đồng và doanh thu ngoài thành viên là 3.600 triệu đồng; lãi bình quân của 1 HTX ước 165 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 51 triệu đồng. Tổng số nợ đọng (giai đoạn 1997-2020) là 1.298.183.611 đồng. Số lượng cán bộ quản lý HTX năm 2020 ước có 872 người, trong đó số lượng cán bộ quản lý đạt trình độ sơ, trung cấp là 180 người; số lượng cán bộ quản lý đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 65 người. Các HTX đã mạnh dạn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu để phát triển. Đồng thời, gắn với chuỗi giá trị và đang trở thành phương thức tổ chức sản xuất phố biến để tăng quy mô, hiệu quả và phát triển bền vững. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng, phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị 6 sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa (điều, tiêu, rau sạch, bưởi da xanh, ca cao, bơ sáp).
Dự kiến đến ngày 31/12/2020 ước có 2 LHHTX thành lập và đang hoạt động. Số HTX thành viên khoảng 8 HTX; số lao động làm việc trong khu vực LHHTX tại thời điểm 31/12/2020 ước 2.300 người; số lao động mới dự kiến 2.300 người. Doanh thu bình quân ước đạt 48.665 triệu đồng; lãi bình quân 1.600 triệu đồng/LHHTX. Các LHHTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX 2012, đã tạo công ăn việc làm góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; tạo liên kết giữa các HTX thành viên, giữa LHHTX với doanh nghiệp, tổ chức khác. Bên cạnh đó, mô hình LHHTX chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nguyên nhân do giữa các HTX chưa có sự góp vốn chung cũng như liên kết, thống nhất với nhau đối với vấn đề hoạt động chung của LHHTX; chưa tạo sự liên kết để hỗ trợ phục vụ lợi ích chung cho các HTX thành viên.
Đóng góp của khu vực KTTT, HTX vào GDP tại thời điểm 31/12/2020 ước đạt 1,3%; HTX ngày càng thể hiện rõ vai trò trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết công ăn việc làm, giảm chi phí đầu vào, tăng giá thành, tăng thu nhập cho thành viên.
KTTT, HTX đã đạt những thành tựu như: Trong những năm qua Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, khu vực KTTT, HTX đã có sự phát triển cả về lượng và chất, số HTX gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng và đang trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng quy mô, hiệu quả và phát triển bền vững, qua đó có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước; KTTT ngày càng thể hiện rõ vai trò trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho 9.461 thành viên HTX và 8.389 người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo, góp phần, phát triến kinh tế xã hội địa phương. Trình độ lao động của từng thành viên được nâng lên rõ rệt, 100% lao động quản lý HTX được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến công việc. Các định hướng phát triển kinh tế nói chung và HTX nói riêng được thông tin, truyền tải kịp thời đến HTX.
Bên cạnh đó cũng còn những mặt tồn tại như:
- Mặc dù, Luật HTX và các bản bản hướng dẫn, cũng như nhiều chính sách đã được ban hành đi vào thực tiễn trong giai đoạn 2015-2020 nhưng công tác triển khai các chính sách khuyến khích phát triển HTX còn hạn chế. Việc phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể và các cơ quan chuyên môn chưa thực sự chặt chẽ. Việc thông tin báo cáo của HTX và các đơn vị quản lý chưa đầy đủ gây khó khăn trong công tác tham mưu UBND tỉnh đối với quản lý nhà nước về KTTT, HTX. Đặc biệt, nguồn vốn để hỗ trợ cho phát triển HTX còn rất hạn hẹp và khó khăn.
- Nhận thức của một số đảng viên, người dân về mô hình HTX kiểu mới vẫn còn hạn chế. Một số HTX thành lập với tư tưởng ỷ lại vào hỗ trợ và thành lập hình thức để nhận ưu đãi hỗ trợ về đất, tín dụng dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả, hình thức, không theo đúng tinh thần phát triển cộng đồng và xã hội. Năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều. Nhiều HTX khả năng cạnh tranh thấp, hoạt động yếu kém hoặc ngưng hoạt động; trình độ lao động còn thấp; HTX hoạt động thường không có tài sản chung, thiếu tính bền vững, không ổn định, một số HTX xã thành lập nhưng chưa huy động được vốn của thành viên; chưa trích lập quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển đầy đủ theo quy định của Luật HTX.
- Một số HTX chưa có trụ sở làm việc, chưa mở rộng được các hoạt động, hiệu quả thấp, lợi ích kinh tế mang lại cho các thành viên chưa nhiều; một số nơi thành viên tham gia mang tính hình thức, chưa thu hút sự tham gia đầy đủ và phát huy tinh thần trách nhiệm của thành viên vào hoạt động cũng như công tác kiểm tra, giám sát HTX. Nhiều HTX chưa tiếp cận được các chính sách đã được ban hành do chưa đủ nội lực để tham gia đối ứng. Các THT hoạt động còn nhỏ lẻ, tự phát thường không có hợp đồng hợp tác, thiếu gắn kết và tự giải thể.
Nguyên nhân:
- Công tác tổ chức triển khai thực hiện Luật HTX 2012 còn lúng túng, chồng chéo trong chỉ đạo từ trung ương xuống địa phương, cũng như việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với HTX. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX 2012 chậm ban hành, một số điều khoản chưa rõ ràng cụ thể khiến việc triển khai gặp nhiều bất cập. Các chính sách khuyến khích phát triển HTX nhiều nhưng không có kinh phí thực hiện, một số chính sách không phù hợp với thực tiễn hoặc khó tiếp cận đối với các hình thức KTTT. Các quy định về tài sản không chia của HTX, LHHTX còn chưa rõ ràng, chưa có quy định, thủ tục quy định về tài sản không chia.
- Việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về KTTT trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều, số lượng còn ít, chất lượng chưa thực sự theo chiều sâu. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu chủ động, chưa thực sự quan tâm đến và hỗ trợ, tạo điều kiện để KTTT phát triển. Nguồn lực, ngân sách để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triến HTX hàng năm chưa được quan tâm bố trí.
- Phương thức sản xuất của HTX còn thấp, năng lực nội tại còn yếu, trình độ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số HTX hoạt động chưa đúng với bản chất, chưa tạo được các dịch vụ, lợi ích thu hút thành viên tham gia; còn trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc thành lập để nhận các chính sách hỗ trợ. Đa số HTX chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường tiêu thụ thu hẹp, sức mua giảm mạnh, sức cạnh tranh thấp.
Để phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới đòi hỏi các cấp các ngành và nhân dân trong tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tập trung tuyên truyền cho người dân về nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao, áp dụng tiến bộ khoa học và xây dựng được thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ các HTX về thủ tục, hồ sơ để tiếp cận nhanh nhất các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ trung ương, của tỉnh trên các lĩnh vực về khoa học công nghệ, tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư.
- Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về KTTT từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ sở; trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ phụ trách lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, hỗ trợ, tư vấn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về KTTT; tăng cường giám sát của các cơ quan nhà nước về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
- Các sở, ngành, các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực chất, toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các loại hình, lĩnh vực của khu vực KTTT, từ đó có kế hoạch giải thể dứt điểm các HTX yếu kém, hoạt động hình thức hoặc lợi dụng thành lập mô hình HTX để hoạt động nhằm trục lợi cá nhân. Phát triển các mô hình chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế. Tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, quy hoạch vùng an toàn dịch bệnh từ đó tạo ra nguồn hàng nông sản lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và thị trường để hỗ trợ các mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Thực hiện việc rà soát, tập trung nguồn lực về một đầu mối, không bố trí dàn trải ở từng ngành, từng cấp quản lý nguồn vốn hỗ trợ HTX, tránh phân tán để có chính sách ưu tiên hỗ trợ có tập trung, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến quần chúng, hội viên các chủ trương, chính sách về KTTT, HTX.
- Không ngừng tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ tư vấn để hỗ trợ HTX ngày càng hiệu quả hơn; tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của các HTX và thành viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về HTX và các đơn vị có liên quan để giải quyết các vướng mắc của các HTX một cách nhanh nhất, tạo thuận lợi cho các HTX hoạt động, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, đối ngoại để thu hút sự hỗ trợ về kinh nghiệm phát triển, tổ chức vận hành HTX trong điều kiện hội nhập.
- Khuyến khích hợp tác quốc tế trong phát triển KTTT, HTX nhằm tiếp thu kinh nghiệm tốt, các nguồn lực hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực hoạt động. Kết hợp tăng cường hợp tác quốc tế trong việc huy động nguồn lực và tư vấn cho các HTX để thành lập và tổ chức hoạt động theo chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng website của Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị có liên quan. Cập nhật các sản phẩm, thành viên HTX và các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển KTTT, HTX.
- Hàng năm, các cơ quan liên quan phối hợp các HTX xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm cho khu vực KTTT, HTX. Tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX tiếp thị sản phẩm tại hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Gắn các chương trình, dự án phát triển KTTT, HTX với các chương trình khuyến công, đổi mới khoa học công nghệ của tỉnh và của Trung ương. Vận động, khuyến khích các HTX mới thành lập xây dựng mô hình HTX của thanh niên, HTX cựu chiến binh, HTX chợ đầu mối... phổ biến các mô hình mới, điển hình tiên tiến, hiệu quả cao để phát triển, nhân rộng.
- Tiến hành khảo sát, đánh giá đúng, thực chất năng lực điều hành, quản lý, chuyên môn của cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành, chuyên môn, trình độ lao động của từng lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Trên cơ sở đó, đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ HTX theo đúng nhu cầu, bồi dưỡng theo từng nhóm năng lực, phù hợp nhu cầu của HTX. Cần tập trung chú trọng dạy nghề cho thành viên và nông dân nòng cốt tại các HTX, nhất là lực lượng thanh niên nông thôn về quy trình canh tác, sản xuất theo công nghệ mới; phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm.
- Triển khai chính sách thí điểm đưa sinh viên mới tốt nghiệp về làm việc tại các HTX, cần tiến hành đồng bộ từ khâu tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về giữ các chức vụ chủ chốt trong HTX, có chế độ ưu đãi phù hớp. Các HTX chủ động phát huy nội lực, huy động các nguồn lực để phát triển thêm ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn hoạt động, thu hút vận động người dân tham gia phong trào HTX. Mỗi HTX và THT cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới phù hợp với hoàn cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của tỉnh như: Hồ tiêu, hạt điều, cây ăn trái...

 

Nguồn tin: T. Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,914
  • Hôm nay229,556
  • Tháng hiện tại11,083,928
  • Tổng lượt truy cập456,479,050
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây