PHÁT TRIỂN HTX GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TIÊU CHÍ SỐ 13

Thứ tư - 04/11/2020 08:20 5082
Trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay, Đảng và Nhà nước đã và đang quan tâm đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiêu chí số 13, cụ thể là phát triển kinh tế hợp tác xã đóng vai trò quan trọng, là bánh đà đưa nền sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang nền kinh tế tập thể, có quy mô và sản lượng lớn, tạo các liên kết đầu vào, đầu ra ổn định hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế hợp tác xã góp phần đáng kể giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của tỉnh.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Trong thời gian qua, bằng việc đề ra và tổ chức thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đã tạo cho khu vực kinh tế hợp tác xã trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng có sự chuyển biến nhất định về các mặt. Tuy nhiên, số hợp tác xã hoạt động thực chất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới (đúng Luật Hợp tác xã năm 2012) còn ít, chủ yếu hoạt động mang tính hình thức. Một bộ phận không nhỏ cấp uỷ, chính quyền, mặt trận tổ quốc, nhận thức chưa đúng về mô hình hợp tác xã kiểu mới, công tác quản lý nhà nước còn bị xem nhẹ, có nơi còn buông lỏng. Nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc nảy sinh trong quá trình hoạt động chưa được nghiên cứu, giải quyết kịp thời. Vì vậy, phát triển kinh tế hợp tác xã của tỉnh Bình Phước đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại và phát triển với tốc độ còn chậm.
Từ những vấn đề trên, việc "Phát triển HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và đề xuất những giải pháp phát triển bền vững tiêu chí số 13" có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết nhằm phát triển kinh tế hợp tác xã ở tỉnh Bình Phước gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2020-2025.

* Vai trò của kinh tế hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

Phát triển kinh tế hợp tác xã là đường lối chiến lược nhất quán trong mọi giai đoạn của nước ta. Trong thời kỳ đất nước đang còn chiến tranh cơ chế kế hoạch hoá chỉ huy phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu sản xuất cho tiền tuyến. Mô hình hợp tác xã mà trong đó chủ yếu là nông nghiệp đã góp phần đưa đất nước phát triển kinh tế vượt bậc, gián tiếp góp phần giải phóng dân tộc, giành độc lập cho tổ quốc.
Sau giải phóng, trước tình hình mới cơ chế kế hoạch hoá chỉ huy không còn phù hợp nhưng chúng ta chậm đổi mới nên dẫn đến sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đây cũng là bài học thấm sâu qua nhiều thế hệ. Kết hợp quan điểm của chủ nghĩa  Mác - Lênin, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kịp thời nhận thức được sai lầm khi máy móc làm theo mô hình hợp tác xã của Liên Xô, Đảng ta từng bước vận dụng sáng tạo và đưa ra đường lối đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn từng giai đoạn cụ thể. Kinh tế hợp tác xã nông nghiệp được từng bước đổi mới theo hướng phù hợp với điều kiện khách quan và bước qua thăng trầm trong thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá chỉ huy sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, được triển khai nhằm phát triển nông thôn toàn diện. Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, việc nâng cao thu nhập cho người dân luôn là vấn đề được các cấp, ngành, địa phương coi trọng, đặt lên hàng đầu và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Chính vì vậy, mô hình hợp tác xã kiểu mới đã và đang có vai trò nòng cốt trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong cả nước. Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất (Tiêu chí số 13.1. Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Tiêu chí số 13.2. Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững). Hiện tại có 79 xã nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động. Từ năm 2015 đến 2020 có 61 xã về đích và phấn đấu về đích nông thôn mới.
Đây là tiêu chí hết sức quan trọng, là mô hình hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế hợp tác xã nông nghiệp lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa những tư tưởng về hợp tác xã vào Việt Nam. Trong cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu nhiều nền văn minh, nhiều luồng tư tưởng tiến bộ của nhân loại, trong đó có tư tưởng về phát triển hợp tác xã. Người đã kế thừa một cách có hệ thống những tư tưởng, quan điểm hình thành hợp tác xã của các nước trên thế giới và phát triển một cách sáng tạo trong điều kiện thực tế của nước ta. Tư tưởng về hợp tác xã mà Người đưa ra được diễn giải một cách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu trong những câu tục ngữ, thành ngữ đã ăn sâu, bám rễ vào lòng người dân việt như "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó", "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao". Các giá trị, nguyên tắc của hợp tác xã được Người giải thích: "...mục đích của tổ chức hợp tác xã là gì? Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được ấm no, mạnh khỏe, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh."... "Muốn quản lý tốt hợp tác xã, cán bộ quản trị phải dân chủ, tránh quan liêu mệnh lệnh, làm việc gì phải bàn bạc kĩ với xã viên". Hợp tác xã muốn phát triển tốt thì mọi người cần có sự đồng sức, đồng lòng, mọi việc phải dân chủ, công khai, không vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích chung của tập thể, của từng xã viên. Theo Người, vào hợp tác xã là giải pháp tối ưu nhất cho mọi người dân thoát khỏi lối sản xuất nhỏ, kinh doanh cá thể để vươn lên làm giàu chân chính, phát triển bền vững và lâu dài bằng sức mạnh của cộng đồng.
          Phát triển hợp tác xã là tư tưởng lớn luôn được Người quan tâm. Chế độ hợp tác là đưa nông dân từ cách làm ăn nhỏ lẻ, cá nhân đi đến hình thành các tổ hợp tác ở mức độ nhỏ và tiến dần lên hợp tác xã, tư tưởng này được coi là con đường tươi sáng đi đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người nói: Không có con đường nào khác, chỉ có vào tổ công, tiến lên hợp tác xã, nông dân ta mới có thêm sức để cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất.
          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hợp tác xã có rất nhiều hình thức, rất đa dạng, phong phú từ thấp đến cao, từ đơn giản đến quy mô. Người đã lấy những ví dụ rất cụ thể: Hai người tắm cho nhau thì nhanh và sạch hơn một mình, góp tiền lại để mua với giá buôn thì rẻ hơn là riêng từng người mua lẻ, góp tiền lại cho một người sử dụng rồi luôn phiên nhau sử dụng một khoản tiền lớn thì làm cho vốn to lên gấp bội; hợp tác xã tuy là để giúp nhau nhưng không giống như các hội từ thiện, cũng không như các hội buôn...Có thể nói, tư tưởng về hợp tác xã của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời rất sớm nhưng tính tiên phong và quan điểm vì lợi ích cộng đồng của nó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đại hội XI nêu quan điểm của Đảng về kinh tế tập thể là: “ Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Ngày nay, trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, trước sự ra đời và lớn mạnh của các thành phần kinh tế, các tổ chức kinh tế nhưng Đảng ta vẫn kiên định mục tiêu, giữ vững quan điểm phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác xã. Đảng ta xác định, xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã có vai trò rất quan trọng trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong hơn 6 năm qua, đã có trên 51 lớp tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức liên quan đến phát triển khu vực kinh tế hợp tác xã được tổ chức. Đối tượng là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, thành viên hợp tác xã về công tác quản lý, điều hành, kiểm soát, công tác kế toán và kỹ năng vận động thành lập hợp tác xã với trên 3900 lượt người tham dự. Từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012 đến nay, số lượng hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 50% so với trước đây. Năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã ngày càng nâng lên, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra quốc tế, tiêu biểu là sản phẩm hạt điều của Hợp tác xã Phước Hưng đã thâm nhập vào thị trường các nước EU.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành nông nghiệp đang chuyển biến rõ rệt trong các hợp tác xã, tiêu biểu là sản phẩm rau thuỷ canh, dưa lưới của Hợp tác xã Nguyên Khang Garden.
Nhìn chung, công tác phát triển kinh tế hợp tác xã ngày càng được chú trọng, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã từng bước được củng cố, phát triển về tổ chức, cán bộ và thành viên. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã đa dạng hơn, bước đầu tạo được hiệu quả, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển. Sự ra đời của các hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho các lao động nhàn rỗi ở nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, góp phần hiệu quả đạt tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới.
Sự nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về xây dựng nông thôn mới thật sự thay đổi đáng kể nhưng chưa rộng rãi và sâu sắc; Năng lực quản lý, điều hành một bộ phận không hợp tác xã còn yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu tính liên doanh, liên kết đầu ra sản phẩm do đó hiệu quả hoạt động chưa cao. Đa số hợp tác xã hoạt động với quy mô nhỏ (hợp tác xã nông nghiệp có dưới 30 thành viên chiếm 49,6% tổng số 125 hợp tác xã nông nghiệp); mức độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh chưa cao nên tích luỹ nội bộ để tái đầu tư phát triển còn hạn chế.Số lượng hợp tác xã có lãi tăng nhưng mức lãi còn ít, đóng góp vào ngân sách của tỉnh còn thấp. Số lượng hợp tác xã yếu kém, ngưng hoạt động giảm chậm.  Năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu. Có 35,2% hợp tác xã chưa thực sự đổi mới về tổ chức và hoạt động, phương thức kinh doanh. Một số hợp tác xã hoạt động chưa đúng với bản chất, chưa tạo được các dịch vụ, lợi ích thu hút xã viên tham gia hợp tác xã. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn còn thấp. Số cán bộ quản lý qua đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chỉ đạt 48,5%. Mức thu nhập của cán bộ quản lý quá thấp nên chưa khuyến khích, động viên được sự nhiệt tình gắn bó với hợp tác xã. Đối với các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu dịch vụ đầu vào cho sản xuất của hộ thành viên, dịch vụ đầu ra cho sản phẩm và phát triển ngành nghề còn ít. Nhiều hợp tác xã thiếu vốn hoạt động, hạn chế việc tổ chức các dịch vụ sản xuất cho hộ thành viên. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau còn ít, nội dung hạn chế. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đến khu vực kinh tế hợp tác xã còn ít. Nhiều hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ở một số địa phương cán bộ hợp tác xã nông nghiệp thường biến động qua các kỳ Đại hội.
Một số giải pháp phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thông mới trong giai đoạn tiếp theo:
Thứ nhất, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước đối với hợp tác xã.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hợp tác xã, các mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ đó làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có vai trò, vị trí quan trọng đối với phát triển của kinh tế tập thể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
 Thứ ba, cần tập trung các nguồn lực, quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, vận động, hướng dẫn các hợp tác xã hoạt động; tăng cường kiểm tra, củng cố hoạt động các hợp tác xã; khó khăn, tồn tại của hợp tác xã được xử lý thì nơi đó mô hình hợp tác xã phát triển.
          Thứ tư, cần lựa chọn, xây dựng đề án đào tạo nguồn lực con người điều hành, quản lý hợp tác xã vì đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hợp tác xã có vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của hợp tác xã. Hợp tác xã nào có cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ, năng lực chuyên môn, tâm huyết với phong trào hợp tác xã, có ý thức trách nhiệm với tập thể, thành viên thì hợp tác xã đó phát triển.
          Thứ năm khi thành lập hợp tác xã phải trên cơ sở nhu cầu của người dân; bảo đảm được lợi ích của hộ xã viên, tránh thành lập nóng vội, hình thức nhằm hoàn thành tiêu chí số 13 và hoạt động phải bảo đảm đúng nguyên tắc tổ chức của hợp tác xã, phát huy dân chủ trong các hoạt động của hợp tác xã.
          Thứ sau, cần xây dựng giải pháp mang tính đột phá, đó là đào tạo cán bộ điều hành hoạt động hợp tác xã có năng lực quản trị tốt, am hiểu thị trường, thích nghi nhanh với cơ chế thị trường.
          Thứ bảy, thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên sâu về hội nhập trong quá trình xây dựng hợp tác xã, đảm bảo xây dựng hợp tác xã theo chuỗi giá trị bền vững.
                                                                            
 


 

Nguồn tin:      Bùi Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,319
  • Hôm nay225,319
  • Tháng hiện tại6,739,660
  • Tổng lượt truy cập379,859,997
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây