Việt Nam sắp kết nối Cơ chế một cửa ASEAN với Myanma và Lào

Thứ hai - 16/12/2019 14:25
Việt Nam sẽ kết nối Cơ chế một cửa ASEAN với Myanma và Lào trong tháng 12/2019.

Việt Nam sẽ kết nối Cơ chế một cửa ASEAN với Myanma và Lào trong tháng 12/2019.

Theo thông tin tại phiên họp SCA-ROO lần thứ 31 và thông báo của Ban thư ký ASEAN, Myanma và Lào đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và có thể sẵn sàng tham gia kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi chứng nhận xuất xứ ATIGA mẫu D.

Theo đó, thời gian Myanma có thể tham gia kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN vào ngày 09/12/2019 và Lào vào ngày 23/12/2019.

Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn các Cục hải quan tỉnh, thành phố để kiểm tra, xử lý chứng nhận xuất xứ ATIGA mẫu D điện tử từ Myanma, Lào và phối hợp trong quá trình thực hiện.

Như vậy, nếu kết nối thêm hai nước Myanma và Lào trong tháng 12/2019 thì tính đến hết năm 2019, Việt Nam sẽ trao đổi thông tin C/O mẫu D với 8 nước ASEAN.

Trước đó, Việt Nam đã trao đổi thông tin C/O mẫu D với 6 nước ASEAN gồm  Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan từ 01/01/2018; với Brunei từ  01/4/2019 và với Campuchia từ 15/7/2019.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11/2019, tổng số C/O gửi từ Việt Nam sang các nước ASEAN là 185.026 C/O. Tổng số C/O nhận từ các nước ASEAN về Việt Nam là 111.841 C/O.

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban 1899 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính phấn đấu đến 2020 thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về các chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước ASEAN và trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối – cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã và đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó, tập trung rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các nghị định, quy định về thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN được thống nhất; tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin trên nền tảng công nghệ tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm đáp ứng tiến độ triển khai theo cam kết của Chính phủ, tiết kiệm và đảm bảo hiệu quả đầu tư, tận dụng nguồn lực cũng như tăng cường khả năng bảo mật, an toàn thông tin; đồng thời thí điểm thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW)…

Ưu điểm của việc thực hiện qua Cơ chế một cửa ASEAN đối với việc trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là việc áp dụng và phát hành C/O trực tuyến, nếu các nước thành viên có thỏa thuận, C/O trực tuyến sẽ thay thế C/O giấy và tất cả những điều chỉnh/sửa đổi hoặc kiểm tra sẽ được thực hiện trực tuyến, từ đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức.

Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục  Hải quan) đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật (xây dựng thông điệp thử nghiệm, kiểm tra kết nối...) để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (đang thí điểm với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (đang thí điểm với Indonesisa). .

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu (hiện đang kiểm thử việc trao đổi thông tin tờ khai và cấu hình kênh truyền VPN); đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Việc kết nối và trao đổi thông tin qua Cơ chế một cửa ASEAN sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ở tất cả các quốc gia đã kết nối Cơ chế một cửa ASEAN. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ chi phí giao dịch thấp hơn và tốn ít thời gian hơn để hàng hóa của họ được xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực, điều đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại cho ASEAN.

Đồng thời, việc tham gia Cơ chế một cửa ASEAN sẽ thúc đẩy lợi ích đa chiều cho các quốc gia cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Sự tương kết của Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia sẽ cho phép có thể kiểm tra, tham chiếu các chứng từ thương mại xuyên biên giới cũng như các chứng từ do các cơ quan chính phủ cấp thông qua các cơ sở dữ liệu quốc gia, khu vực và các hệ thống tình báo khác.

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,457
  • Hôm nay244,011
  • Tháng hiện tại8,141,722
  • Tổng lượt truy cập492,005,160
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây