Quy định về quản lý nhập khẩu phân bón
Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý phân bón có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm; dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí; sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam; làm quà tặng, làm hàng mẫu; tham gia hội chợ, triển lãm; phục vụ nghiên cứu khoa học; làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác; tạm nhập, tái xuất hoặc quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; gửi kho ngoại quan; hoặc nhập khẩu vào khu chế xuất phải có Giấy phép nhập khẩu.
Hồ sơ, trình tự và thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 của Nghị định.
Nghị định cũng quy định cụ thể về nhập khẩu phân bón, về hồ sơ, trình tự, nội dung và thẩm quyền kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu, về lấy mẫu thử nghiệm phân bón,...
Thuế nhập khẩu hàng hóa chuyên dùng nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho giáo dục
Trước vướng mắc của doanh nghiệp về chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa chuyên dùng nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho giáo dục, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13764/BTC-CST hướng dẫn thực hiện.
Theo quy định tại khoản 20 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2017/QH13 và Điều 21 Nghị định số 134/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ thì: Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục được miễn thuế nhập khẩu; Căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất nhập khẩu chuyên dùng phục vụ cho giáo dục được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, mặt hàng xe khách đến 52 chỗ ngồi thuộc mã hàng 8702.10.41 (Dung tích xy lanh: 6.494 cm3; Số chỗ ngồi tối đa: 52 chỗ, Vận tốc lớn nhất: 90 km/h; Công suất lớn nhất: 170 kW/2.500 vòng/phút) và xe ô tô buýt thuộc mã hàng 8702.10.10 (Loại thông dụng đến 80 chỗ ngồi) được quy định ở dòng thứ 17, 18 Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Do đó, mặt hàng xe ô tô buýt nhập khẩu thuộc loại trong nước đã sản xuất được nên không được ưu đãi về thuế nhập khẩu, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế xuất nhập khẩu hiện hành.
Quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng
Việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng sẽ được thực hiện theo quy định mới tại Nghị định số 82/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ ngày 30/12/2019, các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ phải có thân tàu không bằng vật liệu phi kim loại, gồm: Tàu chở hàng khô, gồm: hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép; Tàu container; Tàu chở quặng; Tàu chở hàng lỏng, gồm: dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật; Tàu chở gas, khí hóa lỏng; Tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển.
Doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Là doanh nghiệp Việt Nam do tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ; Là người sở hữu hoặc người quản lý, khai thác cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải thuộc một trong các loại tàu có thân không bằng vật liệu phi kim loại kể trên; đồng thời chủ tàu phải có văn bản xác nhận và chịu trách nhiệm về việc cam kết tàu biển không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải; và không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại.
Tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày bắt đầu phá dỡ.
Ngoài ra, Cổng TTĐT Hải quan cũng đã cập nhật một số văn bản như: một số công văn hướng dẫn xuất nhập khẩu các mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng gồm có: Công văn số 69/BXD-VLXD, 70/BXD-VLXD, 71/BXD-VLXD; Quyết định số 3463/QĐ-BCT của Bộ Công Thương “sửa đổi, bổ sung Phụ lục của Thông báo về danh sách các nước/ vùng lãnh thổ được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ Chính thức tại Quyết định số 4086/QĐ-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương về kết quả rà soát giữa kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ”; Thông tư số 45/2019/TT-BGTVT “ban hành 03 quy chuẩn ký thuật quốc gia về ắc quy, động cơ sử dụng cho xe đạp điện và động cơ sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện”;…