Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (Nghị định 85/2019/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Nghị định 85/2019/NĐ-CP gồm 6 Chương, 43 Điều quy định về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hoá XNK, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK, quá cảnh; quản lý vận hành trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 85/2019/NĐ-CP, thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia là việc người khai gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính khác liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên NSW. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên NSW; cơ quan hải quan quyết định thông quan và trả kết quả xử lý đến NSW.
|
Theo quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP, NSW có chức năng tiếp nhận chứng từ điện tử, thông tin khai và các thông tin có liên quan, xác thực chữ ký số của người khai và các cơ quan xử lý; chuyển chứng từ điện tử, thông tin khai và các thông tin có liên quan của người khai đến hệ thống xử lý chuyên ngành đồng thời lưu trữ thông tin từ người khai trên NSW nhằm mục đích tra cứu, thống kê; tiếp nhận kết quả xử lý và thông báo từ hệ thống xử lý chuyên ngành; phản hồi kết quả xử lý cho người khai và hệ thống xử lý chuyên ngành có liên quan; lưu trữ trạng thái của các giao dịch điện tử, chứng từ điện tử được thực hiện trên NSW. Thời hạn lưu trữ trạng thái các giao dịch điện tử và chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và quy định lưu trữ hồ sơ của pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, NSW còn có chức năng cung cấp thông tin bao gồm: Thông tin giải quyết thủ tục hành chính, thống kê số liệu theo yêu cầu từ các cơ quan xử lý và người khai phù hợp chức năng, thẩm quyền của cơ quan xử lý và quyền, trách nhiệm của người khai; đăng tải quy định của pháp luật chuyên ngành về chính sách quản lý, thủ tục hành chính và người thực hiện theo quy định của Nghị định 85/2019/NĐ-CP và kết nối với hệ thống thông tin của các quốc gia và vùng lãnh thổ theo thỏa thuận quốc tế đã ký kết, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Trang chủ Cổng thông tin một cửa quốc gia
Đơn vị quản lý NSW là Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính. Việc vận hành NSW phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật thương mại, bí mật kinh doanh và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đảm bảo tính chính xác, minh bạch, khách quan, đầy đủ và kịp thời của các thủ tục hành chính được thực hiện thông qua NSW. Tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW.
Các giao dịch điện tử qua NSW là các giao dịch điện tử khai, nhận, phản hồi thông tin về việc xử lý hồ sơ để thực hiện thủ tục hành chính một cửa trên NSW. Tiếp nhận và chuyển thông tin khai từ NSW đến các hệ thống xử lý chuyên ngành. Nhận kết quả xử lý được gửi từ các hệ thống xử lý chuyên ngành tới NSW. Trao đổi thông tin giữa các hệ thống xử lý chuyên ngành thông qua NSW. Trao đổi thông tin giữa NSW Việt Nam với hệ thống thông tin của các quốc gia và vùng lãnh thổ theo thỏa thuận quốc tế đã ký kết, các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Một nội dung đáng chú ý là, chứng từ thuộc hồ sơ hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia là chứng từ giấy và chứng từ điện tử (bao gồm: tờ khai, đơn đăng ký, xác nhận đăng ký hoặc các hình thức khác được khai, thông báo thông qua NSW để thực hiện thủ tục hành chính). Chứng từ điện tử sẽ bao gồm cả chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy.
Thủ tục hành chính qua NSW được thực hiện theo quy trình sau: Người khai, các cơ quan xử lý gửi thông tin về thủ tục hành chính đến NSW; NSW tiếp nhận, cấp mã số hồ sơ và chuyển tiếp thông tin đến các hệ thống xử lý chuyên ngành; Các cơ quan xử lý tiếp nhận, xử lý thông tin, phản hồi trạng thái tiếp nhận, xử lý, trả kết quả xử lý đến NSW; NSW phản hồi trạng thái tiếp nhận, xử lý, trả kết quả xử lý thông tin tới người khai và hệ thống xử lý chuyên ngành có liên quan.
Mục đích của việc ban hành Nghị định 85/2019/NĐ-CP nêu trên nhằm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo cơ sở pháp lý thống nhất để thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành trên nền tảng kết nối thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, Nghị định còn tạo cơ sơ pháp lý thống nhất để cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, minh bạch hóa công tác kiểm tra chuyên ngành thông qua việc công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những chồng chéo, xung đột, bất cập tại các văn bản về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.
Việc ban hành Nghị định 85/2019/NĐ-CP đã tạo nên đồng bộ, nhất quán về đối tượng, hồ sơ, quy trình khi áp dụng thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho việc: triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia; đơn giản hóa, hài hòa hóa, triển khai bằng phương thức điện tử các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý và vận hành Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Nguồn: website Tổng cục Hải quan