Trước đó, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định đã có văn bản gửi cơ quan hải quan và Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giải phóng gỗ nhập khẩu tại cảng do gặp vướng mắc trong việc thực hiện biểu mẫu liên quan đến vùng địa lý tích cực và loại gỗ rủi ro quy định tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP.
Căn cứ ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp tại công văn số 1589/TCLN-KL ngày 02/11/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn hướng dẫn các đơn vị hải quan về nội dung này. Theo đó, đối với Bảng kê gỗ nhập khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 Phụ lục I (khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2020/NĐ-CP), nếu Bản kê chi tiết (Log List hoặc Packing List) do người xuất khẩu lập có các thông tin phù hợp với các Bảng kê gỗ nhập khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 thì người khai hải quan ghi “theo Bản kê chi tiết đính kèm” và nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu.
Việc xác nhận của cơ quan hải quan trên Bảng kê gỗ nhập khẩu được thực hiện bởi công chức hải quan tiếp nhận, kiểm tra chi tiết hồ sơ (đối với hồ sơ luồng Vàng) hoặc công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với tờ khai luồng Đỏ) và lưu kèm hồ sơ hải quan. Trường hợp có sai khác giữa kết quả kiểm tra thực tế với Bảng kê của người khai hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa ghi “sai khác theo tờ khai hải quan” trước khi xác nhận.
Đối với Danh sách quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực và Danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam, trong thời gian chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Danh sách quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực và Danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, xem xét chấp nhận cho người khai hải quan được chậm nộp Bảng kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục I (quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 102/2020/NĐ-CP) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Về danh sách các quốc gia đã ký kết Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hàng hệ thống cấp phép FLEGT, Tổng cục Hải quan đã trao đổi, đề nghị Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn công bố để làm cơ sở thực hiện.
Ngày 01/09/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2020.
Nghị định gồm có 06 chương và 30 Điều quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với xuất - nhập khẩu, cũng như tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, cấp giấy phép FLEGT (văn bản do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp để xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất lô hàng gỗ sang Liên minh Châu Âu.
Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục về các biểu mẫu, về tiêu chí phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, về danh mục hàng hóa: mã các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT.
|