Dự thảo Luật biên phòng: Còn nhiều chồng lấn với nhiệm vụ của Cơ quan Hải quan theo quy định tại Luật Hải quan.

Thứ sáu - 13/11/2020 11:25 1083
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 7059/TCHQ-ĐTCBL gửi tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt; Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Tư pháp và Bộ Tư pháp để trình bày những kiến nghị của Tổng cục Hải quan đối với dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản (số 148/BTC-VI ngày 04/01/2019 và số 11493/BTC-VI ngày 27/9/2019, số 2951/TCHQ-ĐTCBL ngày 07/5/2020) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Biên phòng Việt Nam nghiên cứu chỉnh sửa do còn nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng lấn với nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, xử lý vi phạm do cơ quan hải quan chủ trì thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan theo Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tại Công văn số 7059/TCHQ-ĐTCBL nêu trên, Tổng cục Hải quan tiếp tục làm rõ những nội dung còn chồng lấn và đưa ra kiến nghị để hoàn thiện Dự thảo. 

Đối với quy định về nhiệm vụ của biên phòng: Tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của biên phòng “đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. 

Tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch đồng vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an…. Việc quy định như trên được hiểu Biên phòng là lực lượng giám sát, đảm bảo thi hành pháp luật ở tất cả các lĩnh vực của các lực lượng khác tại khu vực biên giới, cửa khẩu, trong khi chức năng này chỉ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện; không phải chức năng của Bộ đội Biên phòng.

Vì vậy, quy định như tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng có phạm vi rất rộng, cần phải chỉ rõ giới hạn, phạm vi để phù hợp với nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng là đảm bảo pháp luật biên phòng. 

 

 

Căn cứ Điều 1, Điều 2, Điều 7, Điều 12, Điều 35, Điều 88 Luật Hải quan năm 2014 thì trong địa bàn hoạt động hải quan cơ quan hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chủ trì thực hiện nhiệm vụ  phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trong địa bàn hoạt động hải quan cơ quan hải quan được Luật Hải quan giao chịu trách nhiệm chính, chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì phải báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.​​
  

Về nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng:  Điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định của pháp luật”

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan thì quy định trên đây không phù hợp, chồng chéo và mâu thuẫn với quy định của Luật Hải quan.  Cụ thể: 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Hải quan “Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Tại khoản 1 Điều 88 Luật Hải quan quy định “Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.”

Tại khoản 2 Điều 10  Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 10/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định nguyên tắc phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2018/NĐ-CP) quy định “Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp bảo đảm từng lĩnh vực chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chủ trì thực hiện, tránh sơ hở, chồng chéo, đồng thời không cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước khác”

Tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 01/2015/NĐ-CP cũng quy định “Khi cơ quan hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định của Luật Hải quan…”

Tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, quy định:

“- Bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

- Mỗi địa bàn, lĩnh vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì và tổ chức phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp, tham gia với lực lượng chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Trường hợp phát hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn hoặc lĩnh vực cơ quan khác chủ trì thì cơ quan phát hiện thông báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm chủ trì xử lý để phối hợp hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được phân công.”

Như vậy, Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã giao hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Việc dự thảo Luật Biên phòng quy định như trên là không phù hợp, trùng chéo với Luật Hải quan.

Theo thống kê từ năm 2016 đến tháng 10/2020, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 81.644 vụ việc, trị giá ước tính 10.421 tỷ đồng; khởi tố 245 vụ , chuyển cơ quan khác khởi tố 573 vụ.

Thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan và đã phối hợp có hiệu quả với lực lượng biên phòng trong việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm như vụ việc bắt giữ 98 kg ma túy đá giấu trong 05 pho tượng gỗ do máy soi hành lý của cơ quan hải quan phát hiện tại Hà Tĩnh; vụ bắt giữ 500 kg ketamin và 276 kg ma túy đá trong địa bàn hoạt động hải quan tại Hồ Chí Minh...

  

 Theo thống kê từ năm 2016 đến tháng 10/2020, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 81.644 vụ việc, trị giá ước tính 10.421 tỷ đồng; khởi tố 245 vụ , chuyển cơ quan khác khởi tố 573 vụ.

Thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan và đã phối hợp có hiệu quả với lực lượng biên phòng trong việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm như vụ việc bắt giữ 98 kg ma túy đá giấu trong 05 pho tượng gỗ do máy soi hành lý của cơ quan hải quan phát hiện tại Hà Tĩnh; vụ bắt giữ 500 kg ketamin và 276 kg ma túy đá trong địa bàn hoạt động hải quan tại Hồ Chí Minh...

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ đội Biên Phòng:  Dự thảo Luật Biên Phòng hiện đang quy định nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng  “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm soát qua lại biên giới” (Tại khoản 5 Điều 13); và có quyền hạn: “Áp dụng các hình thức....kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” (tại Khoản 3 Điều 14).

Việc quy định Bộ đội Biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới nhưng không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát, có thể hiểu là kiểm soát toàn bộ các hoạt động qua lại biên giới bao gồm hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh. Điều này trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được Luật Hải quan qui định, dẫn đến 02 cơ quan (Hải quan và Biên phòng) cùng thực hiện một nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 01 phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu nếu Luật này được thông qua. 

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, điều này là không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tạo thuận lợi thương mại và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, Nghị quyết đã nhấn mạnh giải pháp “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính”. 

Đồng thời, việc trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đang thực hiện theo quy định của Luật Hải quan sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, gây phiền hà cho doanh nghiệp, phát sinh thêm chi phí (vì hải quan đã làm thủ tục hải quan, thu phí, thuế thì biên phòng lại làm thủ tục, kiểm tra lại), phát sinh trường hợp cơ quan hải quan đã cho phép thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh nhưng biên phòng chưa kiểm tra thì cũng chưa được thông quan. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ về cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính,hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu (Nghị Quyết số19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ quy định việc thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh).

Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế và theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, như Công ước Quốc tế về đơn giản hoá và hài hoà thủ tục hải quan 1999 quy định “Mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ Hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra Hải quan”. Thực tiễn tất cả các nước trên thế giới thì cơ quan hải quan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Với những phân tích trên đây, có thể thấy những quy định nêu trên dẫn đến tất cả các lực lượng tại cửa khẩu (hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch, Ban quản lý cửa khẩu…) cùng thực hiện chức năng, kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện và người xuất nhập cảnh. Việc quy định như vậy dẫn đến mạnh ai nấy làm, thực hiện pháp luật không thống nhất, hỗn loạn... ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người dân xuất nhập cảnh. Đồng thời, trường hợp phát sinh buôn lậu, gian lận thương mại thì sẽ không xác định được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng này làm tăng rủi ro tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.

Để khắc phục những nội dung còn chồng lấn như nêu ở trên, trong Văn bản số  7059/TCHQ-ĐTCBL, Tổng cục Hải quan cũng đã nêu những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể đối với từng trường hợp để đảm bảo phân định rõ trách nhiệm của các bên trong thực thi pháp luật; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; phù hợp với pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, pháp luật khác liên quan đến quản lý hàng hóa xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới và phù hợp với định hướng cải cách bộ máy, thủ tục hành chính của Đảng, Nhà nước và Chính phủ./.

Tác giả bài viết: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập577
  • Hôm nay292,953
  • Tháng hiện tại6,928,389
  • Tổng lượt truy cập393,471,442
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây