Theo đồ án quy hoạch, phạm vi ranh giới vùng tỉnh Bình Phước với các thị xã Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long và các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản và Lộc Ninh. Diện tích vùng quy hoạch là 6.817,54 km2, với ranh giới phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông và Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia.
Bản đồ tỉnh Bình Phước
Về tính chất phát triển vùng, Bình Phước là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Tỉnh Bình Phước sẽ phát triển theo hướng công nghiệp – nông nghiệp và dịch vụ, đồng thời thúc đẩy quá trình đô thị hóa, xây dựng và phát triển các đô thị, dân cư nông thôn cùng kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại đồng bộ.
Các cực phát triển là thị xã Đồng Xoài, Phước Long và cực phát triển mới là các khu vực phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, các khu kinh tế cửa khẩu như Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Lộc Ninh. Các trục đô thị hóa bao gồm trục quốc lộ 13, 14 và đường ĐT 741; xu hướng di dân chủ yếu là di dân từ bên ngoài tỉnh vào trong tỉnh và di dân nội tỉnh hướng tới các khu, cụm công nghiệp tập trung, các khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch sinh thái.
Đến năm 2020, tỉnh Bình Phước có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (thị xã Đồng Xoài, 2 đô thị loại IV (Phước Long, Bình Long), 13 đô thị loại V (Đồng Phú, Tân Lập, Tân Tiến, Chơn Thành, Tân Khai, Lộc Ninh, Thanh Bình, Thiện Hưng, Phú Nghĩa, Bù Nho, Phú Riềng, Đức Phong, Đức Liễu). Dân số của tỉnh khoảng 1,14 triệu người, dân số đô thị khoảng 398.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 34-35%.
Minh Khang