Theo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành trên quy mô toàn quốc, nhằm thu thập thông tin về dân số và nhà ở cả nước, đáp ứng yêu cầu thông tin về dân số và nhà ở, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Bên cạnh đó, thực hiện Tổng điều tra cũng phục vụ việc tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Ngoài ra, còn cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số và xây dựng các dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư.
Đối tượng của cuộc điều tra bao gồm tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; nhà ở của hộ dân cư...
Nội dung điều tra được chia thành 2 nhóm: Đối với điều tra toàn bộ (gồm 22 câu hỏi), điều tra các thông tin về dân số (các thông tin cá nhân: họ và tên, giới tính, tuổi; mối quan hệ với chủ hộ; dân tộc và tôn giáo; tình hình đi học hiện nay; trình độ học vấn và trình độ nghề, kỹ năng nghề; tình trạng biết đọc và biết viết; tình trạng hôn nhân; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em); thông tin về nhà ở của hộ (tình trạng nhà ở hiện tại; quy mô diện diện tích nhà ở; kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính; năm đưa vào sử dụng).
Đối với điều tra chọn mẫu (được tiến hành trên 15% dân số cả nước, với 65 câu hỏi), ngoài các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ, còn có thêm các nhóm thông tin liên quan đến: Thông tin về dân số (tình trạng di cư (nơi cư trú cách đây 5 năm) và lý do di cư; tình trạng khuyết tật; tuổi kết hôn lần đầu; tình trạng lao động việc làm); Thông tin về lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10 – 14 tuổi và phụ nữ từ 15 – 49 tuổi (tình hình sinh con; số con đã sinh, số con còn sống và số con đã chết; tháng, năm sinh và số con trai, con gái của lần sinh gần nhất; hỗ trợ của cán bộ y tế trong lần sinh con gần nhất); Thông tin về người chết (thông tin của người chết là thành viên của hộ; nguyên nhân chết, chết do thai sản); Thông tin về nhà ở (tình trạng sở hữu nhà ở; loại nhiên liệu (năng lượng) chính để thắp sáng và nấu ăn; nguồn nước chính sử dụng để ăn uống; loại hố xí đang sử dụng; một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của hộ).
Thời điểm điều tra bắt đầu là 0 giờ ngày 1/4/2019; thời gian thu thập thông tin tại địa bàn trong 25 ngày, bắt đầu từ 7 giời sáng ngày 1/4/2019, kết thúc chậm nhất vào ngày 25/4/2019. Kết quả sơ bộ của Tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 7/2019; kết quả điều tra mẫu vào quý IV/2019; kết quả điều tra toàn bộ vào quý II/2020; các báo cáo phân tích chuyên đề vào quý IV/2020.
Hiện công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra vẫn đang triển khai rất khẩn trương. Một số công tác chuẩn bị đã hoàn thành như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, hệ thống tổ chức triển khai Tổng điều tra; hoàn thiện thiết kế; tập huấn; dự toán kinh phí Tổng điều tra…
Một số công tác tiếp tục được triển khai trong thời gian tới như: Hoàn thiện thiết kế Tổng điều tra; lập bảng kê hộ và xây dựng mạng lưới điều tra; tổ chức các hội nghị chỉ đạo trực tuyến cấp Trung ương và hội nghị tập huấn các cấp ở Trung ương và địa phương; tổ chức thu thập thông tin.
Đặc biệt, công tác lập bảng kê hộ sẽ được thực hiện trong tháng 12/2018, đây là nội dung quan trọng nhằm rà soát, cập nhật bảng kê, hoàn thiện những thay đổi của hộ trước thời điểm điều tra. Thực hiện tốt khâu công tác này sẽ giúp công tác thu thập thông tin sau này (vào 1/4/2019) tránh bị trùng, sót.
Theo Tổng cục Thống kê để thực hiện thành công Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cần tập trung vào một số nội dung trọng yếu. Quy mô của Tổng điều tra rất lớn (ước trên 95 triệu người với trên 25 triệu hộ) và rất có khả năng từ chu kỳ năm 2029 sẽ không thực hiện Tổng điều tra dân số nữa, do vậy để có nguồn thông tin đầy đủ phục vụ Tổng điều tra cũng như nguồn dữ liệu quốc gia về dân số và nhà ở thì rất cần sự vào vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị… Đây là cuộc Tổng điều tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quét lượng thông tin lớn về dân cư, là căn cứ cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của đất nước, do vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quán triệt tinh thần cộng tác, cung cấp thông tin đầy đủ tới toàn dân và toàn quân.