Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp.
Chiều muộn ngày 7/10, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ ba, thẩm tra dư án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Minh bạch trong biên soạn, công bố GDP, GRDP
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) Trần Quốc Phương cho biết, tại tờ trình Quốc hội số 322/TTr-CP ngày 6/9/2021, Chính phủ chưa đặt ra việc sửa đổi toàn diện hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê hiện hành.
Quá trình triển khai xây dựng, các Bộ, ban, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất cao về việc tập trung sửa Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3, tháng 9/2021, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Theo đó, bên cạnh danh mục, để có số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia. Các nội dung này không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.
Cụ thể, một là bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).
Hai, bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.
Ba, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Việc luật hóa các quy định trên sẽ tăng cường hiệu lực pháp lý; hiệu quả trong thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê; bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong biên soạn, công bố GDP, GRDP, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Bổ sung 7 chỉ tiêu
Về Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, so với danh mục hiện hành thì lần sửa đổi này giữ nguyên129 chỉ tiêu thống kê do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Sửa tên 46 chỉ tiêu thống kê để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành, đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế.
Bổ sung 47 chỉ tiêu thống kê để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Còn so với dự thảo tháng 9/2021, dự thảo lần này bổ sung 7 chỉ tiêu: Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; Quy mô thị trường trái phiếu so với tổng sản phẩm trong nước; Tốc độ tăng quy mô thị trường trái phiếu; Tổng giá trị phát hành trái phiếu; Doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến; Số sinh viên đại học trên mười nghìn dân; Tỷ lệ ngày trong năm có nồng độ PM2,5 và PM10 trong môi trường không khí vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép tại các đô thị từ loại IV trở lên.
Đều khẳng định sự cần thiết sửa đổi, song các ý kiến thảo luận vẫn băn khoăn về phạm vi sửa đổi dường như còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của công tác chỉ đạo, điều hành.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ban đầu nhiệm vụ được giao theo nghị quyết của Quốc hội là chỉ sửa danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã làm hết sức nghiêm túc và đúng quy trình. Để có được danh mục thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp hết sức chặt chẽ với các bộ ngành, Thứ trưởng phát biểu.
Một khó khăn nữa, theo Thứ trưởng là thời gian từ dự thảo chỉ sửa danh mục lên sửa một số điều là rất ngắn, nên chỉ chọn sửa một số vấn đề như trên.
Riêng với danh mục, một số ý kiến cho rằng cần thêm một số chỉ tiêu khác để đảm bảo tính toàn diện, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói, có những chỉ tiêu không đưa vào chỉ tiêu quốc gia được, nên đã hết sức cân nhắc các chỉ tiêu nào là quốc gia, chỉ tiêu nào của bộ ngành và của tỉnh, huyện, xã.
Hơn nữa, rất khó một lần là có được một bộ chỉ số ổn định dùng lâu dài nên sẽ dần hoàn thiện, chỉ tiêu nào quá khó chưa đưa được vào ngay thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, ông Phương nói.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khái quát, các ý kiến đại biểu còn nhiều băn khoăn, bởi thời gian ngắn mà yêu cầu thì cao hơn rất nhiều. Trong 7 nhóm vấn đề Ủy ban Thường vụ nêu ra mới tiếp thu được hai vấn đề, ông Thanh nhấn mạnh và lưu ý phải bám theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu đảm bảo chất lượng sẽ trình tại kỳ họp thứ hai, nếu không thì sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình vào thời điểm thích hợp.