Phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh năm 2023

Thứ sáu - 21/04/2023 10:31
    1. Khái niệm
    Tại Khoản 1 của Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có quy định:
    Mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây:
    - Chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
    - Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
    - Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
    - Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
    - Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
    Và Khoản 2 của Điều 2 Tại Khoản 1 của Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có quy định:
    Mua bán người dưới 16 tuổi là thực hiện một trong các hành vi sau đây:
    - Chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
    - Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
    - Chuyển giao người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
    - Tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
    - Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo và chuyển giao để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
    2. Nguyên nhân phát sinh tình hình tội phạm mua bán người
    - Vị trí địa lý: Việt Nam có khu vực biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, lối tắt qua lại, mang đậm nét về mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, cùng với những đặc điểm, yếu tố đặc thù về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội là núi liền núi, sông liền sông, rất thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán,… Do đó, hoạt động mua bán người sang các nước lân cận, có đường biên giới liền với Việt Nam có chiều hướng gia tăng, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng để đưa nạn nhân qua biên giới.
    - Sự phát triển của mạng xã hội: Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Khác với trước đây, việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp để rủ rê, thì hiện nay, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
    - Sự chênh lệch về kinh tế - xã hội: Sự chênh lệch về kinh tế xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán người hiện nay. Đa số các vụ mua bán người diễn ra ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển, có nhiều khó khăn về đường xá và phương tiện đi lại. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp, cuộc sống của họ không có đủ thông tin xã hội. Do đó, họ dễ dàng bị lợi dụng và cả tin vào các đối tượng phạm tội, trở thành nạn nhận của tội phạm mua bán người.
    - Lợi nhuận rất cao: Việc thực hiện các hành vi mua bán người nếu diễn ra thuận lợi sẽ đem lại lợi nhuận rất cao cho các chủ thể thực hiện. Việc các tổ chức mua bán người siêu quốc gia đưa ra mức lợi nhuận hấp dẫn cho các “người giúp sức” thực hiện hành vi mua bán người đã câu dẫn, lôi kéo được nhiều đối tượng đang gặp khó khăn về tài chính hoặc đối tượng đã có tiền án, tiền sự cần tiền để hút chích, đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật thực hiện hành vi phạm tội.    
    Đối tượng phạm tội mua bán người có thể là những đối tượng không nghề nghiệp ổn định, hoặc buôn bán tự do qua biên giới, chủ chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm, cũng có thể là những người thân thích, quen biết rõ nạn nhân… Nạn nhân mua bán người có thể là bất kỳ ai, trong đó thường tập trung ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa giáp biên giới.
    Đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân tộc có trình độ thấp, hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh thiếu niên do ăn chơi, đua đòi và các em thanh thiếu niên mới lớn có tư tưởng muốn thoát ly khỏi học hành, nghiện game hoặc những người muốn thoát ly công việc nông nghiệp vất vả ở địa phương… để bằng nhiều thủ đoạn như: lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, môi giới cho nạn nhân kết hôn có yếu tố nước ngoài, môi giới cho nhận con nuôi, giả vờ giúp đỡ tiền bạc, kết bạn rủ đi du lịch xa, dụ dỗ, ép buộc... nhằm bán những nạn nhân ra nước ngoài để trục lợi.
    3. Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người
    - Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm: triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người: Luật phòng chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành, Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2020 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030...
    - Phổ cập kiến thức cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới: Thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho những đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, nhờ đó họ có thể tiếp cận với thông tin từ các phương tiện truyền thông để tự bảo vệ mình đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng kinh tế khó khăn. Lồng ghép và truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người vào các chương trình học của các cấp, ngành học.
    - Có biện pháp hỗ trợ nạn nhân kịp thời: Đối với những nạn nhân của tội mua bán người cần có những biện pháp thiết thực giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội chỗ ở, việc làm, bảo mật các thông tin… để họ có thể quên đi những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đồng thời không kỳ thị, phân biệt đối xử để họ không cảm thấy cô lập, có những suy nghĩ tiêu cực.
    - Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người: Để đấu tranh phòng, chống mua bán người hiệu quả thì cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
    - Tăng cường công tác hợp tác quốc tế: Ngày nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế, mua bán người đã trở thành một hoạt động mang tính có tổ chức xuyên quốc gia. Việc đấu tranh phòng, chống mua bán người chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế và của từng quốc gia. Do vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người là hết sức quan trọng, cần được đặt ra như là một trong những nguyên tắc định hướng, chỉ đạo hoạt động phòng, chống mua bán người ở nước ta.
    4. Khung hình phạt cho tội mua, bán người
    Tội mua bán người được quy định tại Điều 150, 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
    Cơ sở pháp lý

    - Luật phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12 ngày 29/3/2011 của Quốc Hội. Xem nội dung chi tiết tại đây.
    - Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc Hội. Xem nội dung chi tiết tại đây.
    - Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Xem nội dung văn bản tại đây.
    - Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Xem nội dung chi tiết tại đây.
    - Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Xem nội dung chi tiết tại đây.
    - Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Xem nội dung chi tiết tại đây.
    - Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Xem nội dung văn bản tại đây.
    - Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thực hiện Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2020 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030. Xem nội dung văn bản tại đây.
                                                                                                          Ngọc Trang
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,149
  • Hôm nay195,966
  • Tháng hiện tại1,740,663
  • Tổng lượt truy cập437,544,282
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Bqlkkt_phong chong covid
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây