Thực hiện chiến lược phát triển kho bạc hoạt động hoàn toàn trên môi trường số, những năm gần đây, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bình Phước đã tích cực triển khai hoạt động hiện đại hóa trên tất cả các mặt nghiệp vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hóa các giao dịch thu, chi ngân sách; phát triển các hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, sẵn sàng tiến tới kho bạc số.
Hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ
Tại bộ phận giao dịch KBNN Bình Phước trong ngày làm việc, không còn cảnh xếp hàng chờ đợi, cũng không có tiền mặt trong thực hiện các giao dịch như trước đây. Toàn bộ hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước qua hệ thống KBNN Bình Phước đều được thực hiện dưới hình thức thanh toán điện tử. Đây là kết quả bước đầu của việc triển khai đề án kho bạc không tiền mặt tại KBNN Bình Phước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quy trình, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại các phòng chuyên môn
Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, một trong số rất ít khách hàng đang giao dịch tại đây, chia sẻ: “Các giao dịch hiện đều thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến và nhận phản hồi kết quả qua email, trừ những lỗi sai thì được thông báo sửa lại. Không phải đến tận nơi giao dịch nên thuận lợi và nhanh chóng hơn nhiều”.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong các giao dịch đang tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với Kho bạc Nhà nước Bình Phước
Trong công tác thu ngân sách nhà nước, KBNN Bình Phước đã triển khai đồng bộ các hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách điện tử với các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thời gian thực hiện giao dịch và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Dịch vụ công trực tuyến đang tích hợp ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia với tốc độ thanh toán nhanh, chính xác, rút ngắn thời gian xử lý chứng từ trong ngày làm việc.
Trung bình mỗi tháng, kho bạc tiếp nhận khoảng 4.000 hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công. Nhờ ứng dụng công nghệ trong các kênh thu và chi ngân sách nên kho bạc có thể xử lý tất cả yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác, giảm tối đa rủi ro trong quá trình xử lý.
Chị LÊ THỊ THÙY DUNG,
kế toán viên, Kho bạc Nhà nước Bình Phước
|
Với điểm nhấn xây dựng kho bạc điện tử nhằm nâng cao tính an toàn, hiện đại, hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát chi ngân sách nhà nước và chuyển mạnh sang tư duy hành chính phục vụ, hiện quy trình kiểm soát chi cũng được KBNN Bình Phước hoàn thiện theo hướng ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, việc thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi đầu tư và chi thường xuyên qua kho bạc; thực hiện giao dịch “một cửa, một giao dịch viên” và theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư từ 7 ngày còn 1 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Tăng tốc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quy trình đã giúp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại các phòng chuyên môn. Hiện 100% đơn vị trong hệ thống KBNN Bình Phước đã thực hiện chỉ đạo, xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội ngành; sử dụng mạng nội bộ và hộp thư điện tử trong giải quyết công việc; cung cấp thông tin kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành. Ứng dụng hiệu quả công nghệ hiện đại, như: điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… để tối ưu hóa các quy trình quản lý, vận hành và cung cấp dịch vụ cho toàn bộ hệ thống kho bạc trong tỉnh.
Hệ thống công nghệ hiện đại, đồng bộ đang giúp kho bạc tối ưu hóa các quy trình quản lý, vận hành và cung cấp dịch vụ
Bên cạnh các chương trình, phần mềm do KBNN Việt Nam triển khai chung, các phòng chuyên môn tại KBNN Bình Phước đã viết nhiều phần mềm, sáng kiến để đáp ứng yêu cầu công việc thực tế. “Rất nhiều phần mềm được chúng tôi viết ra đang áp dụng hiệu quả trong hệ thống KBNN toàn tỉnh. Điển hình như phần mềm diễn đàn nghiệp vụ, phần mềm báo cáo đầu tư… chuyển từ hình thức nhập liệu thủ công lên điện tử, biến dữ liệu riêng thành dữ liệu dùng chung, kết nối đồng bộ, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tăng tính chính xác và ổn định của dữ liệu” - anh Trần Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Tài vụ quản trị, KBNN Bình Phước chia sẻ.
Bám sát kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, KBNN Bình Phước đã đề ra các giải pháp linh hoạt, quyết liệt triển khai nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành kho bạc, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN trong toàn tỉnh.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ đang tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với kho bạc. Thống kê từ năm 2020 đến nay, KBNN Bình Phước đã triển khai cho 1.042 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến; hiện số lượng hồ sơ, chứng từ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến đạt 100% tổng số hồ sơ giao dịch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo đó, hệ thống KBNN tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ. Để thực hiện mục tiêu này, KBNN Bình Phước đang tập trung vào các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và hoàn thiện kho bạc số dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật đang xây dựng đồng bộ.
Ông ĐỖ TRUNG PHƯƠNG,
Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bình Phước
|
Những nỗ lực của KBNN Bình Phước đang góp phần cùng với KBNN Việt Nam thực hiện chiến lược xây dựng kho bạc điện tử, “kho bạc 3 không” (không khách hàng giao dịch tại trụ sở - không tiền mặt - không chứng từ). Trong thời đại ngày nay, kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội, đối với lĩnh vực kho bạc, điện tử hóa, số hóa sẽ giúp hệ thống KBNN tập trung nhanh các nguồn thu, chi trả kịp thời các khoản chi cho các đơn vị thụ hưởng. Không chỉ vậy, hiện đại hóa, số hóa còn giúp thực hiện việc hạch toán kế toán, thống kê báo cáo thông tin các nguồn tài chính nhanh chóng, từ đó giúp các cấp lãnh đạo quản lý tài chính hiệu quả, minh bạch./.
Tác giả: Đài PT-TH&BBP
Nguồn: https://cds.binhphuoc.gov.vn/