Liên kết để phát triển

Thứ ba - 13/06/2023 09:00 418
Nói đến lối sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ai cũng nghĩ đến những phương pháp canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất thấp. Nhưng nếu đến tỉnh Bình Phước hôm nay, nhiều người sẽ rất bất ngờ khi thấy đồng bào DTTS đã thật sự đổi mới. Thay cho lối canh tác truyền thống, đơn lẻ quy mô hộ gia đình, đồng bào đã tham gia hợp tác xã (HTX), học hỏi sản xuất hữu cơ để mỗi hạt lúa, hạt điều, từng trái dưa lưới, sầu riêng làm ra chất lượng và bán được giá cao hơn.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY ĐIỀU

Tham gia HTX nông nghiệp Bù Gia Mập từ những ngày đầu thành lập, thay vì sử dụng phân bón hóa học để xử lý, phòng trừ bệnh trên cây điều như trước đây, ông Điểu Ngọc ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập chỉ dùng các chế phẩm sinh học, tăng lượng phân bón hữu cơ theo quy trình HTX hướng dẫn trên diện tích 9 ha điều của gia đình. “Tham gia HTX, tôi học hỏi được nhiều điều hữu ích. Nếu canh tác như trước kia 1 ha thu hoạch 1,1-1,2 tấn, thì canh tác điều hữu cơ thu khoảng 2 tấn/ha. Dùng phân hữu cơ an toàn cho sức khỏe người trồng; nông dân lại được hỗ trợ phân bón, bạt phủ, nông cụ sản xuất… Hạt điều làm ra được HTX mua với giá cao hơn thị trường nên rất yên tâm” - ông Điểu Ngọc cho biết.

Ông Điểu Ngọc (bên phải), thành viên HTX nông nghiệp Bù Gia Mập chia sẻ niềm vui chăm sóc điều theo hướng hữu cơ đạt năng suất khá
HTX nông nghiệp Bù Gia Mập thành lập năm 2016, với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu điều đặc trưng của địa phương trên diện tích 1.200 ha, trong đó có 350 ha đạt chuẩn hữu cơ, diện tích còn lại canh tác theo hướng hữu cơ bền vững. 100% thành viên HTX là đồng bào DTTS, lúc đầu có 46 thành viên, đến nay phát triển lên 245 thành viên. Tất cả thành viên thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn Organic. Ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình cho thành viên; HTX hỗ trợ trang thiết bị, phân bón... HTX đã liên kết với các công ty bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Giá thu mua được HTX ký kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cao hơn thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg.
Thành viên Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham quan mô hình liên kết với người nông dân tại xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng

Tháng 11-2022, HTX điều hữu cơ thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng thành lập trên cơ sở liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp), nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho ngành điều nói chung và người trồng điều nói riêng. Điểm đặc biệt của HTX là 100% thành viên người S'tiêng và M’nông. Thế mạnh và cây trồng chủ lực của xã Đồng Nai là cây điều với tổng diện tích hơn 3.000 ha, trong đó 700 ha đã được các thành viên HTX đưa vào canh tác theo hướng hữu cơ bền vững. Tham gia HTX, thành viên được hướng dẫn chăm sóc cây điều, cách phòng trừ sâu bệnh hại cây; được hỗ trợ phân bón, chuyển đổi vườn điều già cỗi, năng suất thấp sang trồng giống điều mới (ghép) năng suất cao hơn.

Không chỉ quan tâm chuyển đổi diện tích điều già cỗi, HTX điều hữu cơ thôn 1 còn ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Target Agriculture Việt Nam trong cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm khi đến mùa thu hoạch. Theo kế hoạch, năm 2023, HTX sẽ mở rộng diện tích từ 700 lên 1.000 ha, tiến tới xây dựng thương hiệu điều hữu cơ cho xã Đồng Nai vào năm 2025.

CANH TÁC HỮU CƠ - NỀN TẢNG LÂU DÀI

So sánh diện tích trồng lúa nước của Bình Phước với các tỉnh miền Tây Nam Bộ là điều không thể. Thế nhưng, so về chất lượng lúa gạo thì hoàn toàn có thể, thậm chí vượt trội. Chính nhờ chất đất và thời tiết có nhiều ưu đãi đã tạo nên sự khác biệt đó. HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh, với 100% thành viên là người Khmer ở huyện biên giới Lộc Ninh đã góp phần nâng cao những giá trị vốn có này.

Già làng Lâm Khên và ông Nghiệp Quốc Vương, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Bom Bo Bình Phước kiểm tra mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh

Hơn 40 năm canh tác lúa nước, nhưng chưa có vụ thu hoạch nào già làng Lâm Khên cảm thấy phấn khởi như vụ này. Bởi đây là vụ đầu tiên già làng canh tác giống lúa ST24 đạt năng suất cao, giá bán cao hơn 20% so với các giống lúa trước đây. Với diện tích 1,7 ha, gia đình già làng Lâm Khên  thu gần 9 tấn lúa tươi. HTX thương mại - dịch vụ Bom Bo Bình Phước thu mua tại ruộng, lúa canh tác theo hướng hữu cơ giá 7.150 đồng/kg, còn canh tác hoàn toàn hữu cơ 10.000 đồng/kg. Vì vậy, già Khên cũng như người dân nơi đây rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.
 

Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hữu cơ hoàn toàn là hướng đi đúng của nông dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Vụ này gieo trồng được hơn 10 ha, năng suất dự kiến không dưới 6 tấn/ha. Đây là một trong những thành công mà mô hình mang lại cho nông dân. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này lên ít nhất 60 ha.
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh TRẦN QUANG VINH


HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh có 8,2 ha, trong đó 5 ha chung và 3,2 ha của các thành viên, có nhiều diện tích canh tác từ 2-3 vụ/năm. Bà Thị Lộc, Giám đốc HTX cho biết: Tuy mới hoạt động nhưng HTX đã tạo được kênh phân phối, đưa sản phẩm lúa của bà con tiêu thụ ổn định. HTX đã ký kết với HTX thương mại - dịch vụ Bom Bo Bình Phước cam kết thu mua tất cả lúa của bà con.

TĂNG GIÁ TRỊ NHỜ LIÊN KẾT

Hộ anh Võ Thanh Lâm ở thôn Bình Tiến, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng có vườn sầu riêng 10 năm với 170 cây đang cho thu hoạch. Qua hơn 1 năm liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, năng suất vườn sầu riêng của gia đình anh tăng lên 1,5 lần. Qua liên kết, các hộ trồng sầu riêng đã cùng nhau hợp tác từ khâu làm đất, bón phân, chăm sóc cây đến thu hoạch, đầu ra cho sản phẩm. Các hộ đều được hướng dẫn chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ bền vững nên năng suất, sản lượng tăng. Với diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 15.000 ha, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh để phân phối, xuất khẩu sản phẩm.
Với phương châm “hợp tác - uy tín - chất lượng - phát triển bền vững”, thời gian qua, HTX dịch vụ - thương mại Bom Bo Bình Phước đã liên kết với các HTX trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kết nối từ người trồng đến người tiêu dùng, thực hiện quy trình giám sát cây trồng, thu hoạch, đặc biệt là sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời ký kết bao tiêu và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản.

 

Đối với mô hình điểm HTX của đồng bào DTTS, Liên minh HTX tập trung vào 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng; lựa chọn những HTX hoạt động theo hướng hữu cơ và có liên kết với doanh nghiệp. Liên minh HTX sẽ đầu tư các nguồn lực để xây dựng mô hình điểm, trở thành HTX đầu tàu, tạo ra vùng nguyên liệu, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Bà NGUYỄN THANH PHƯƠNG, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước


Để những sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Bình Phước với chất lượng an toàn, giá cả hợp lý nhất đến người tiêu dùng, thời gian qua, HTX dịch vụ - thương mại Bom Bo Bình Phước phối hợp đơn vị ký kết tổ chức các phiên chợ online, phát trực tiếp trên Facebook, Fanpage Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), Liên minh HTX tỉnh Bình Phước. Phiên chợ nhận được sự tương tác của đông đảo khách hàng, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. HTX dịch vụ - thương mại Bom Bo Bình Phước là 1 trong 10 HTX đã liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là tín hiệu vui cho kinh tế tập thể Bình Phước, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,323
  • Hôm nay284,298
  • Tháng hiện tại11,803,119
  • Tổng lượt truy cập384,923,456
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây