Cập nhật: 08/05/2019 17:16
(Thanh tra) - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vấn đề hiện nay là xem điều hành giá điện có đúng các quyết định đã được Thủ tướng ban hành hay không để công bố cho nhân dân yên tâm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 34, cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai năm 2019. Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận là việc tăng giá điện.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận định, việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế… là những rủi ro lạm phát, có thể ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với chỉ số giá tiêu dùng CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, hiện nay, dư luận, cử tri bức xúc việc tăng giá xăng, giá điện và rất hoan nghênh Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì kiểm tra, Bộ Công thương cũng có đoàn kiểm tra về vấn đề này.
Tuy nhiên, bà Nga cho biết, dư luận vẫn hoài nghi về tính minh bạch và đề nghị giải trình rõ như cơ sở tăng giá điện; trong cơ cấu giá điện thì cái nào hợp lý cái nào không hợp lý, hay phương pháp tính giá điện bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có phù hợp với giai đoạn hiện nay nữa hay không?
“Nếu tăng là cần thiết thì phải có căn cứ, cái gì không phù hợp thì phải điều chỉnh”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Thủ tướng đã ra quyết định về khung và lộ trình tăng giá điện, cơ chế tính giá điện cũng đã có. Vấn đề hiện nay là xem điều hành giá điện có đúng các quyết định đã được Thủ tướng ban hành hay không để công bố cho nhân dân yên tâm.
“Cử tri hỏi, tôi nói là chắc chắn việc tăng giá này, Bộ Công Thương phải thực hiện theo đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ chứ làm sao Bộ Công Thương dám làm? Hay là EVN tự làm được", Chủ tịch Quốc hội nói.
Từ ngày 20/3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng một kWh. Sau hơn 1 tháng, rất nhiều hộ tiêu dùng bức xúc, phản ánh bất ngờ khi nhận hoá đơn tiền điện tháng 4 tăng đột biến so với tháng 3.
Giải thích về hiện tượng này, ngành Điện đưa ra 3 nguyên nhân từ yếu tố thời tiết nắng nóng, sản lượng dùng điện các hộ tăng và một phần do tăng giá bán lẻ điện.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
GDP đang có dấu hiệu tăng chậm lại
Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới.
Tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (-1,31%), năm 2017 (2,08%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (4,24%) và thấp hơn mục tiêu là 0,29 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (7,16%), năm 2017 (4,48%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (9,92%) và thấp hơn mục tiêu là 0,24 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ tăng 6,5%, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016 (5,98%), năm 2017 (6,36%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (6,65%) và thấp hơn mục tiêu là 0,07 điểm phần trăm
“Dự báo trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế”, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải quyết chủ yếu cần tập trung thực hiện để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, thực hiện nhanh, giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực. Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý công tác thuế, tránh để xảy ra tình trạng thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản; kiểm soát tình trạng chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp FDI.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế “tín dụng đen”; tăng cường giám sát và xử lý đối với các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai và khai thác khoáng sản ở các địa phương, không để tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật lợi dụng. Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia vi phạm quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; sớm hoàn thành thực hiện thu phí tự động không dừng...
Hương Giang
Theo http://thanhtra.com.vn