Ngày 04/8/2021 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 05 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
- Tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành, làm cho thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và việc làm thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân.
- Ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025) của tỉnh. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; tăng thu nhập, giảm đói, nghèo; xây dựng đô thị hiện đại, nông thôn mới văn minh; quốc phòng, an ninh vững chắc. Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, an sinh xã hội và các phong trào thi đua yêu nước mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; thi đua thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của Trung ương, của tỉnh, gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả 04 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
- Thi đua tạo bước đột phá về cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Thi đua xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, gắn với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Phát huy hiệu quả phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nâng cao vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nguồn lực, sáng tạo của Nhân dân và đoàn viên, hội viên, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triên kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với phong trào “Thi đua quyết thắng” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; thực hiện có hiệu quả chương trình phòng, chống tội phạm, giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để học tập và làm theo với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ mọi người phát huy khả năng và phẩm chất tốt đẹp để cống hiến, đóng góp tích cực cho phong trào thi đua và hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng, xây dựng con người phát triển toàn diện, xây dựng nếp sống mới và xã hội văn minh, đẩy lùi những tư tưởng, việc làm tiêu cực, những thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội.
- Tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khen thưởng. Thực hiện khen thưởng kịp thời, trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, được dư luận xã hội đồng tình; tránh khen thưởng tràn lan làm giảm tác dụng của việc khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng dân tộc thiểu số, các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản,... Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.
- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả. các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện rõ và lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng.
- Tiêp tục củng cố, nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Bố trí, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất chính trị, có năng lực, tinh thần trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện chính sách, pháp luật về khen thưởng.
- Hiện nay, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp với nhiều chủng mới nguy hiểm, lây lan rất nhanh, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm tập trung toàn bộ tâm trí và nguồn lực, đồng sức, đồng lòng đẩy lùi đại dịch. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và Nhân dân tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ’, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn; kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong phòng, chống đại dịch Covid-19, kiểm soát tốt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, dập dịch triệt để bên trong, ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm hợp lý, điều trị hiệu quả, giãn cách xã hội ở phạm vi và thời hạn cần thiết, chặn đứng nguồn lây, bảo đảm phương châm “5K + vắc xin” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch; thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin cho Nhân dân, nhằm tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Các cấp, các ngành kịp thời khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng để động viên các tập thể, cá nhân làm tốt; phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp lơ là, chủ quan, chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.