Cập nhật: 07/05/2019 19:18
(Thanh tra)-“Khi giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, không để người dân bị thiệt thòi do bất cập của chính sách pháp luật; kiên quyết sửa sai, giải quyết lại nếu trước đây giải quyết chưa đúng”, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nêu rõ.
Theo Tổng Thanh tra, giải quyết KN,TC phải bảo đảm khả thi, có các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: HG
Sáng ngày 7/5, diễn ra hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc KN,TC, đông người, phức tạp, kéo dài.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ nay đến hết năm 2020, phấn đấu giải quyết căn bản các vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài và hạn chế phát sinh các vụ việc KN,TC đông người nhằm góp phần ổn định tình hình, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, cũng như hướng tới phục vụ tốt các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu “chủ quan, thụ động” sẽ không hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cầu thị, khách quan, tránh đối thoại hình thức
Tại hội nghị, hướng dẫn triển khai Kế hoạch 363, theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, điều quan trọng nhất, là phải rà soát, tìm mọi cách giải quyết dứt điểm các vụ việc. Vì vậy, các lãnh đạo các địa phương phải tổ chức đối thoại với người dân thực chất, tránh “hình thức cho xong”.
Với những vụ giải quyết sai thì phải sửa sai. “Để sửa sai thì phải cầu thị, hết sức khách quan, áp dụng đúng pháp luật có hiệu lực vào thời điểm có hành vi bị khiếu nại”, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh và lưu ý, khi gặp xung đột pháp luật thì giải quyết có lợi cho dân, phải lấy sự ổn định làm trọng.
Trường hợp vụ việc rà soát lại thấy trước đây giải quyết đúng, nay vẫn đúng, nhưng người dân không chịu tiếp khiếu, theo hướng dẫn của Phó Tổng Thanh tra, cần tìm cách để có biện pháp hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp để người dân ổn định cuộc sống vì “khi bị thu hồi đất họ rất khó khăn”.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: HG
Ông ví dụ, trước đây, có bà Huệ ở Lạng Sơn nhiều năm sống trước cổng trụ sở Thanh tra Chính phủ vì sau khi bị thu hồi đất bà không có nhà để ở, không có người thân ở Lạng Sơn. Vậy làm thế nào? Mặt trận đã xây dựng nhà ở với sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, từ khi có nhà, bà Huệ ổn định cuộc sống, chấm dứt KN.
Với những vụ việc khi giải quyết gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, Phó Tổng Thanh tra đề nghị, các địa phương xin ý kiến bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Khi có kết quả, phương án giải quyết phải công khai, vận động, thuyết phục người dân bằng tất cả các kênh.
Nhắc lại câu nói của Nguyễn Trãi “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương bày tỏ quan điểm đồng tình với Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh là khi giải quyết KN,TC “phải trọng dân” vì không phải chỉ vấn đề an ninh trật tự mà còn là vấn đề tăng trưởng kinh tế.
“Chính những vụ KN,TC dai dẳng, kéo dài mà rất nhiều dự án đắp chiếu 10 năm, 20 năm, hết cả tuổi thanh xuân của doanh nghiệp. Như thế là níu kéo sự phát triển”, ông Đỗ Văn Đương đặt vấn đề.
“Công lý càng kéo dài thì càng bất công, người dân càng khổ sở”
Theo ông Đương, giải quyết KN,TC đông người, phức tạp rất quan trọng và nhiều năm qua rất được Thanh tra Chính phủ quan tâm. “Đất nước thái bình, nhưng người dân ở đâu đó vẫn chưa được yên vui”, ông Đương nói và nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương.
Phó Ban Dân nguyện cho rằng, “công lý càng kéo dài thì càng bất công, người dân càng khổ sở, không tin vào chính sách, pháp luật. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người thu hồi đất, cái này là trọng tâm nhất”.
Theo ông Đương, các địa phương phải thấy rằng, đất không chỉ đất ở mà còn là tư liệu sản xuất, không chỉ là “miếng cơm, manh áo mà còn là công ăn việc làm và cuộc sống” của người dân.
Toàn cảnh hội nghị đầu cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: HG
Vì vậy, khi tham mưu áp dụng pháp luật phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Những vụ việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã kết luận thì địa phương phải thực hiện, nếu có vướng mắc, tình tiết mới thì báo cáo lại. Cùng với, quan tâm rà soát vụ việc có căn cứ người dân bị thiệt thòi, bị oan sai…
Bày tỏ quan điểm thống nhất cao với Kế hoạch 363, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ví von, “kế hoạch đã lên phác đồ điều trị, có thể chữa được các vụ việc cụ thể”. Ông tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, sự vào cuộc, hỗ trợ của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, kế hoạch sẽ thành công, tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo danh sách các vụ KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài, Hà Nội chiếm tỷ “kha khá”. Vì vậy, ông Hùng đề nghị, TTCP hỗ trợ, cử cán bộ giỏi để cùng với Hà Nội tháo gỡ, giải quyết.
“Như hôm qua (6/5), Tổng Thanh tra Lê Minh Khái tiếp dân, lắng nghe ý kiến của người dân đã giải quyết được rất nhiều vấn đề. Từ đó, nhân dân cũng có niềm tin, giúp cho Hà Nội ổn định tình hình”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Kiên quyết sửa sai nếu trước đây giải quyết chưa đúng
Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nêu rõ, quá trình thực hiện cần tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia nhằm tạo sự đồng thuận.
Việc giải quyết phải trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm khả thi, có các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người dân ổn định cuộc sống.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái. Ảnh: HG
“Giải quyết phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, không để người dân bị thiệt thòi do bất cập của chính sách pháp luật; kiên quyết sửa sai, giải quyết lại nếu trước đây giải quyết chưa đúng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Cùng với đó, tăng cường đối thoại, giải thích, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và các vấn đề có liên quan cho người KN,TC. Trường hợp vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình thì tăng cường biện pháp vận động để công dân chấp hành.
“Nếu chúng ta phát hiện có dấu hiệu xúi giục, cố tình chống người thi hành công vụ, cũng như không chấp hành pháp luật của Nhà nước thì cũng phải cương quyết xử lý”, ông Lê Minh Khái lưu ý.
Tổng Thanh tra đề nghị, sau hội nghị này, các địa phương tích cực triển khai nhiệm vụ theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ như thành lập tổ công tác; ban hành kế hoạch triển khai, lập danh sách vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài.
Ngoài danh sách do tổ công tác ở Trung ương chuyển về, các địa phương lập danh sách các vụ việc và chủ động thực hiện kiểm tra, rà soát hoặc giải quyết theo thẩm quyền; chủ động đề xuất phương án khả thi cho từng vụ việc, đồng thời xác định rõ lộ trình để giải quyết dứt điểm…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ trực tiếp chỉ đạo giải quyết 35 vụ
Trong bối cảnh một số tỉnh, TP xuất hiện vụ việc KN, TC đông người, bức xúc, nổi cộm về an ninh trật tự, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ năm 2018, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, làm việc trực tiếp với địa phương.
Nhiều cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước cũng cử đoàn công tác trực tiếp về địa phương nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời để không phát sinh “điểm nóng” khiếu kiện.
Để tạo chuyển biến tích cực từ nay đến cuối năm 2020, ngày 27/12/2018, Thủ tướng đã thành lập Tổ Công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo đài do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng.
Thanh tra Chính phủ đã thành lập Tổ Giúp việc cho Tổ Công tác và ban hành Kế hoạch 363. Trong đó, đã hướng dẫn các địa phương căn cứ vào các tiêu chí đã thống nhất để lập danh sách các vụ việc phức tạp, đông người và lập Tổ Công tác để tự kiểm tra, phân loại, trực tiếp giải quyết.
Thanh tra Chính phủ cũng lập danh sách 35 vụ việc do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ Công tác trực tiếp chỉ đạo rà soát, giải quyết và hơn 220 vụ việc do các bộ, ngành, địa phương rà soát, chỉ đạo giải quyết.
|
Hương Giang
Theo http://thanhtra.com.vn