Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Nguyễn Mạnh Hà
2022-12-08T21:50:16+07:00
2022-12-08T21:50:16+07:00
https://binhphuoc.gov.vn/vi/stttt/tuyen-truyen-van-hoa-nghe-thuat/ke-hoach-thuc-hien-binh-dang-gioi-va-giai-quyet-nhung-van-de-cap-thiet-doi-voi-phu-nu-va-tre-em-1189.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Bình Phước : Cổng thông tin điện tử
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 08/12/2022 21:42
Ngày 01/10/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-BTV về triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và MN. Đồng thời đề ra các chỉ tiêu cụ thể:
- Thành lập và duy trì hoạt động của 46 tổ truyền thông cộng đồng.
- Củng cố hoặc thành lập mới 15 tổ tiết kiệm vay vốn (viết tắt là TKVV) thôn, ấp. Thí điểm 09 tổ TKVV thôn, ấp áp dụng phương pháp học tập và hành động giới. Hỗ trợ 03 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0.
- Xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động 06 địa chỉ tin cậy cộng đồng.
- Tổ chức 24 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, ấp.
- Thành lập 09 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi.
- Nâng cao năng lực cho 30 cán bộ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo.
- Tổ chức lớp tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ cấp huyện, cấp xã (02 đợt); cán bộ thôn, ấp (08 đợt). Tổ chức 03 đợt tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ cấp xã, thôn, ấp.
Để thực hiện các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra các nội dung sau:
1. Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em
- Xây dựng các tổ, nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng: Thành lập mới, nâng chất mô hình hiện có; tập huấn hướng dẫn, củng cố năng lực triển khai mô hình cho cấp huyện và xã điểm của tỉnh; chỉ đạo điểm mô hình tại một số xã; xây dựng, phát triển tài liệu sinh hoạt của tổ truyền thông phù hợp với địa phương; xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật triển khai mô hình hiệu quả.
- Thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
- Tổ chức các cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp truyền thông hiệu quả: Thay đổi “Nếp nghĩ, cách làm” tại các cấp; tư liệu hóa và chia sẻ, vận động, nhân rộng các mô hình, sáng kiến hiệu quả, thiết thực trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em
- Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới.
- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS: hỗ trợ sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ.
- Củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới Địa chỉ tin cậy cộng đồng hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình.
- Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người: Hỗ trợ học nghề, nâng cao kiến thức, nhận thức và tiếp cận dịch vụ tư vấn giải quyết việc làm giúp phụ nữ và trẻ em gái bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, cải thiện đời sống thông qua tham gia mô hình, tổ hoặc nhóm sinh kế của Hội. Kết nối và hỗ trợ phụ nữ bị buôn bán sau khi được học nghề, tập huấn được tiếp cận các nguồn vốn để tạo sinh kế, sản xuất, khởi nghiệp.
3. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị
- Đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương: Tổ chức đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn, ấp; tổ chức các cuộc tọa đàm hoặc đối thoại chính sách theo yêu cầu của Dự án; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện; giám sát, phản biện và tham gia góp ý các văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức đối thoại.
- Đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại cộng đồng thông qua mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”: Thành lập, vận hành các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường trung học cơ sở; xây dựng tài liệu chuyên đề phù hợp cung cấp cho câu lạc bộ; tổ chức hội thảo, diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng mô hình.
- Công tác giám sát và đánh giá về thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS&MN: Tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Dự án, thực hiện bình đẳng giới; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa bàn Dự án cách đánh giá thực hiện Dự án, thực hiện bình đẳng giới; tiến hành đánh giá hàng năm, giai đoạn thực hiện các mục tiêu của Dự án.
- Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ người DTTS các cấp (gồm: cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu); tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương điển hình.
4. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn/ấp, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và tập huấn cán bộ thôn, ấp, người có uy tín trong cộng đồng theo quy định của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
- Lựa chọn cán bộ nòng cốt tham gia giảng viên nguồn cấp tỉnh và cử tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
- Đánh giá cán bộ sau đào tạo, tập huấn và đề xuất điều chỉnh, bổ sung các hoạt động nâng cao năng lực và điều chỉnh phương pháp, nội dung nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Xem chi tiết kế hoạch tại đây.