Di chuyển trong thời tiết mưa bão là một điều vô cùng khó khăn và không an toàn. Các cơn gió mạnh hoặc tình trạng xe chết máy giữa đường sẽ rất dễ gây nguy hiểm đến người lái xe và người đi đường, dưới đây là một số lưu ý khi lái xe máy dưới trời mưa:
1. Chọn/mặc áo mưa đúng cách
Sử dụng áo mưa cánh dơi, loại này rất tiện và dễ sử dụng, ưu điểm của loại áo mưa này khi có kích thước rộng đủ để che chắn cho người lái cũng như người ngồi sau. Tuy nhiên, kiểu dáng 2 mảnh của áo mưa lại là một hạn chế khi tham gia giao thông.
Nhiều người lái xe thường chùm cả áo mưa qua tay lái, che đi đèn xi nha trước, đèn pha, gương chiếu hậu… khiến tầm quan sát của những người xung quanh bị cản trở. Thậm chí, khi có gió to, có thể thổi mạnh tà áo mưa che mất tầm nhìn của người cầm lái, hoặc đôi khi tà áo mưa bị quấn vào xích xe hoặc bánh sau của xe gây ra những sự cố đáng tiếc khi di chuyển.
Do vậy, khi mặc áo mưa cánh dơi, người điều khiển xe máy không nên phủ toàn bộ áo mưa qua đầu xe như thói quen của nhiều người hiện nay. Thay vào đó, nên mặc áo mưa và để tà áo phủ kín ngay sàn để chân của xe. Hoặc có thể chọn những loại áo mưa hộ (áo mưa liền quần) có thiết kế ôm sát vào người lái. Kiểu áo mưa này sẽ không tạo ra những sự vướng víu khi di chuyển, đồng thời có tiết diện cản gió thấp giúp cho việc chạy xe máy an toàn hơn giữa khi trời đổ mưa đi kèm gió lớn.
2. Bật đèn xe
Khi trời mưa, tầm nhìn quan sát của người lái xe bị hạn chế rất nhiều. Do đó, nên bật đèn xe để giúp người đối diện và người phía sau nhận diện một cách dễ dàng nhé. Tuy nhiên, cần tránh việc bật đèn pha khi chạy xe trong phố vào thời tiết mưa gió, bởi nó sẽ là công cụ nguy hiểm cho cả chính chúng ta và người xung quanh.
3. Chạy xe với tốc độ vừa phải
Nên chạy xe với tốc độ vừa phải thay vì cố gắng tăng tốc thật nhanh để tránh bị mưa ướt. Bởi khi trời mưa, nền đường sẽ trơn trượt hơn và độ bám đường của lốp sẽ bị giảm. Nếu đang chạy xe với tốc độ cao mà phải thắng gấp sẽ rất dễ xảy ra trường hợp bị xoay bánh, và gây ra những tai nạn đáng tiếc.
4. Giữ khoảng cách với xe trước
Quy định của Luật giao thông đường bộ về giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước trong điều kiện bình thường. Với việc chạy xe khi trời mưa gió, bạn cần giữ khoảng cách xa hơn để có thể xử lý kịp thời nếu có tình huống bất ngờ xảy ra
- Vận tốc dưới 60 km/h: Nên chủ động giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước của mình.
- Vận tốc 60 km/h: Giữ khoảng cách tối thiểu 35 mét.
- Vận tốc trên 60-80 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 mét.
- Vận tốc từ trên 80-100 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét.
- Vận tốc từ trên 100 đến 120 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 mét.
5. Giữ khoảng cách với lề đường
Ở một số tuyến đường, việc mưa lớn sẽ dễ đến tình trạng ngập lụt. Do vậy, người lái sẽ không quan sát được những rủi ro đến từ ổ gà, hố ga, nắp cống bị sập ở hai bên đường. Vì vậy, nên chạy xe cách xa lề đường một chút vừa để hạn chế tình trạng ngập ống bô gây tắt máy xe, vừa tránh được những tình trạng sập cống.
6. Hạn chế dùng phanh trước
Khi trời mưa, độ bám đường của xe sẽ bị giảm và việc sử dụng phanh trước để thắng gấp là điều cực kỳ nguy hiểm. Bởi bánh trước của xe thường là phanh đĩa. Khi phanh gấp sẽ dễ gây ra tình trạng xe bị trượt bánh, đổ xe. Nên sử dụng phanh sau để an toàn và hạn chế tình trạng khóa bánh xe.
7. Tránh đi qua đường nhiều cây
Khi trời mưa bão, tuyệt đối không nên trú dưới những cây lớn, tránh đi qua những đoạn đường nhiều cây để tránh tình trạng cây bị đổ, gãy cành cây gẫy bất ngờ.
8.Cẩn thận khi đi vào các tuyến đường ngập nước
Đây là một trong những rủi ro rất lớn đối với người lái xe khi phải đi vào những tuyến đường ngập nước. Không chỉ dễ gặp phải tình trạng chết máy do nước vào ống bô, mà người điều khiển xe máy cũng không thể quan sát được những mối nguy hiểm dưới lòng đường đến từ những chiếc hố sâu, hay các hố ga bị sụt lở.
Một lưu ý khác khi chạy xe máy vào mùa mưa sao cho an toàn, đó là khi đi vào những tuyến đường ngập nước, nên chạy xe ở số 2 (đối với xe số) và luôn giữ đều tay ga. Điều này sẽ hạn chế tình trạng nước bị hút vào ống bô khiến xe chết máy, cũng như hư hỏng một số linh kiện bên trong của xe.