Ứng dụng công nghệ bản đồ số - Giải pháp cho quản lý khu công nghiệp

Thứ tư - 16/10/2024 19:00
Tỉnh Bình Phước đang phấn đấu trở thành một trong những địa phương tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp hiện đại.
Ứng dụng công nghệ bản đồ số - Giải pháp cho quản lý khu công nghiệp

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong phát triển khu công nghiệp

Bình Phước với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào và tiềm năng phát triển công nghiệp, đang tập trung đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN) hiện đại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chia sẻ tại hội thảo “Sáng tạo ứng dụng số trong các khu công nghiệp” trong khuôn khổ chương trình “Công bố kết quả các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 và giới thiệu các mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp" của tỉnh Bình Phước diễn ra mới đây, ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban quản lý khu kinh tế thuộc tỉnh Bình Phước cho biết, tổng diện tích hiện hữu của các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh khoảng 5000 ha, định hướng tương lai là 48.000 ha.

Cụ thể, toàn tỉnh có 13 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có 12 KCN đã xây dựng hạ tầng, thu hút được 399 nhà đầu tư thứ cấp với diện tích thuê đất 1.453,06 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 44,25%.

Tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, có 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư là KCN Ledana 424,54 ha, KCN Hoa Lư 348,32 ha.

Ngoài ra, tỉnh còn có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Thanh Lễ, Chơn Thành, Đồng Phú, Bình Long, Lộc Ninh), với tổng diện tích khoảng 1.598 ha, chuyên về trồng nấm, rau, củ, quả; trồng chuối xuất khẩu, trồng chuối bằng nuôi cấy mô in-vitro; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; trồng cây ăn quả, cây dược.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt là công tác quản lý số tại cửa khẩu Hoa Lư. Vì thế, tỉnh nhà đang chú trọng vào việc tích hợp các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) cho công tác quản lý địa phương.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ số đã đưa ra ý kiến và tư vấn các giải pháp hiện hữu giúp giải quyết các bài toán của tỉnh nhà. Tổng công ty MobiFone giới thiệu các mô hình nhà máy thông minh và các công nghệ hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Trong khi đó, công ty TNTech thông tin giải pháp quản lý vận hành KCN thông minh. Công ty cổ phần Công nghệ cao và Dịch vụ phần mềm FaceNet thông tin giải pháp FCIM và kinh nghiệm thực tế triển khai CĐS sản xuất tại nhà máy. Công ty TNHH IOTLINK giới thiệu ứng dụng công nghệ nền tảng bản đồ để giải quyết bài toán quản lý KCN. Công ty VIoT chia sẻ những ứng dụng thực tiễn công nghệ AI và IoT trong chuyển đổi xanh KCN. Công ty CP Công nghệ Hanet chia sẻ giải pháp kiểm soát an ninh cho KCN, nhà máy.

Ứng dụng công nghệ bản đồ số để quản lý khu công nghiệp

Trong bài trình bày về "Ứng dụng công nghệ bản đồ số - Giải pháp cho bài toán quản lý KCN”, ông Bùi Đức Hậu, Tổng Giám đốc kinh doanh công ty IOTLINK, đã chỉ ra về những mặt hạn chế trong thực tại tại các KCN nói chung như: Cơ sở hạ tầng công cộng, hạ tầng giao thông, hạ tầng tiện ích chưa kịp đáp ứng; nhà đầu tư còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin; còn thiếu nguồn cung lao động trình độ cao; khó khăn trong công tác quản lý; liên kết doanh nghiệp, ngành nghề;…

Vấn đề đặt ra là làm sao có thể có một giải pháp mà trên đó có thể trực quan được tất cả các vấn đề, từ đó giúp nhà đầu tư cũng như ban quản lý có thể dễ dàng hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển và quản lý?

Và câu trả lời cho bài toán nêu trên đó chính là 1 ứng dụng công nghệ từ bản đồ số.

IOTLINK là đơn vị doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, đã và đang phát triển nền tảng bản đồ số Map4D - một sản phẩm nền tảng bản đồ số thuần Việt với các tính năng 2D, 3D, 4D đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

Việc vận dụng bản đồ số vào công tác quản lý tại các cơ quan, ban ngành đã mang đến nhiều thuận lợi hơn trong công cuộc CĐS quốc gia nói chung, và CĐS địa phương nói riêng.

Map4D không những mang lại thông tin chi tiết về các địa điểm, tuyến đường, công trình, sông ngòi, địa giới hành chính,… mà còn đem lại tính năng 3D. Đây là một tính năng độc đáo giúp người dùng có thể quan sát trực quan hơn về không gian tổng thể của khu vực, thay vì như trước đây chỉ nhìn qua 1 bản đồ 2D trống trải hay 1 bản đồ vệ tinh thực tế nhưng không có chiều sâu.

Ngoài ra, một điểm nổi bật nữa mà Map4D có đó chính là công nghệ 4D. Tính năng này cho phép người dùng có thể quan sát được 1 khu vực, 1 dự án với chiều thời gian (quá khứ - hiện tại – tương lai). Tính năng này cực kỳ hữu dụng đến các nhà đầu tư cũng như quản lý. Vì nhờ đó, họ có thể biết được quá trình phát triển của khu vực. Đồng thời quan sát được, định hình được quy hoạch của khu vực đó trong tương lai. Từ đó có thể dễ dàng hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển cũng như quyết định đầu tư.

Nền tảng bản đồ số Map4D đã được IOTLINK ứng dụng trong nhiều sản phẩm phục vụ tốt cho công tác CĐS các tỉnh/thành phố, có thể kể đến như: Bản đồ số quảng bá, xúc tiến đầu tư; phần mềm quản lý hạ tầng tài sản ứng dụng công nghệ GIS; phần mềm số hóa 3D không gian công trình ngầm; phần mềm quản lý hạ tầng kỹ thuật, tài sản, không khí,…; phần mềm quản lý hoạt động, khai thác kinh doanh,…

Với tiềm năng phát triển cũng như định hướng hỗ trợ tốt nhất cho công cuộc CĐS quốc gia nói chung, CĐS địa phương nói riêng, IOTLINK đang không ngừng củng cố, hoàn thiện sản phẩm đã có cũng như nghiên cứu nhu cầu thị trường để phát triển các sản phẩm mới, đón đầu thị hiếu và kịp thời đáp ứng thị trường./.

 

Tác giả: Hoàng Nguyễn Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,249
  • Hôm nay211,749
  • Tháng hiện tại6,112,284
  • Tổng lượt truy cập466,004,971
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây