Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ ba - 30/03/2021 16:33
"Giai đoạn 2021-2026 là thời cơ để tỉnh Bình Phước phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn bằng các chương trình hành động cụ thể, trong đó có việc phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn này thực chất là quá trình chuyển đổi số trên các mặt chính quyền số, kinh tế số và xã hội số", đó là đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về "xây dựng chính quyền điện tử".
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Thực tế, quá trình "chuyển đổi số" đã được tỉnh Bình Phước triển khai từ nhiều năm nay. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 12/9/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TU về xây dựng chính quyền điện tử.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước nhận định, để chuyển đổi số thành công trên địa bàn tỉnh, làm tiền đề cho sự phát triển công nghệ 4.0, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động phải được chuyển dịch có mục đích từ môi trường vật chất lên không gian mạng, môi trường số.
"Công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh là việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, mang tính đổi mới căn bản mọi hoạt động. Do đó, cần sự quyết tâm cao của người đứng đầu, lãnh đạo các cấp và sự đồng thuận của nhân dân dựa trên nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm", ông Nguyễn Minh Quang - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước cho biết.
Theo đánh giá, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 07, cho thấy đây là chủ trương quan trọng, cấp bách trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, đối với mô hình "chính quyền điện tử", đến năm 2020 về cơ bản tỉnh Bình Phước đã hoàn thành và hiện nay tiếp tục phát triển, ngày càng hoàn thiện.
Mới đây, ngày 26/2/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã về phê duyệt "kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0".
Theo đó, kiến trúc chình quyền điện tử tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0 được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Bình Phước; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước của tỉnh, tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.
UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã triển khai thống nhất từ tỉnh đến xã, cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 1.875 thủ tục hành chính, trong đó có 1.634 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (chiếm 87,1%). Cổng dịch vụ công của Bình Phước cũng đã tích hợp liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia 134 thủ tục hành chính.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của tỉnh đã liên thông ngang dọc 4 cấp hành chính (gồm trung ương - tỉnh - huyện - xã). Hiện tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước dưới dạng điện tử đạt trên 95% thông qua việc ứng dụng chữ ký số. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, phòng họp không giấy được triển khai từ cấp tỉnh tới cấp xã đạt 100% các đơn vị có hệ thống. Trong năm 2019, 2020 và quý I/2021, tỉnh đã tổ chức 690 cuộc họp không giấy, 270 cuộc họp trực tuyến. Việc đổi mới phương thức quản lý, điều hành thông qua hệ thống thông tin họp và xử lý công việc trực tuyến đã thành nền nếp, mang lại hiệu quả tốt.
Dịch chuyển từ môi trường vật chất lên không gian mạng
Tháng 9/2020, UBND tỉnh Bình Phước đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Hiện IOC Bình Phước đang thử nghiệm 10 lĩnh vực gồm điều hành của lãnh đạo tỉnh: chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hành chính công, giao thông, trật tự đô thị, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, du lịch, tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng đến lãnh đạo tỉnh.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Trung tâm IOC có thể cập nhật tất cả các cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh Bình Phước một cách thường xuyên, nhanh chóng nhất để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.
Để tiếp tục thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2026, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, trên môi trường số và dữ liệu số. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra trên không gian mạng.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, việc bố trí nguồn lực tài chính để chi cho đầu tư xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh thông qua các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, nếu như năm 2018 Bình Phước chi 28 tỷ đồng để xây dựng chính quyền điện tử thì năm 2019 là 70 tỷ đồng và năm 2020 là 148 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2021, Bình Phước sẽ chi 126 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng chính quyền điện tử, tương đương 1% chi ngân sách hàng năm của tỉnh.
"Đổi mới phương thức điều hành xã hội, thực thi công vụ theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh tế mới; trong đó, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số là yếu tố trọng tâm", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước nhận định và cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về sự cấp thiết của chuyển đổi số toàn diện trong thời gian tới./.