Tăng cường triển khai thực hiện Đề án Giáo dục quyền con người

Thứ sáu - 13/09/2024 00:10
Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Chỉ thị số 34/CT-TTg, ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 22/3/2023 của UBND tỉnh Bình Phước về Triển khai thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
      Qua gần 01 năm triển khai thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai đtạ được nhiều kết quả, cụ thể:
  1. Công tác tuyên truyền về giáo dục quyền con người
        Các cơ quan truyền thông của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các tài liệu tham khảo, các thông tin liên quan đến quyền con người cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, giáo viên, nhân viên ở các cấp học, bậc học, ngành học; tổ chức tập huấn, hội thảo và mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo các chủ đề cơ bản về quyền con người và giáo dục quyền con người. Công tác tuyên truyền được lồng ghép trong chương trình, chuyên mục, các bản tin thời sự trên sóng phát thanh, truyền hình; đăng trên báo in, báo điện tử; đăng phát trên hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, trên Cổng thông tin điện tử http://binhphuoc.gov.vn của tỉnh…
      2. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giảng dạy quyền con người trong chương trình giáo dục và đào tạo
      2.1. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng về nội dung giảng dạy quyền con người trong chương trình đào tạo của các cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục quốc dân để đề xuất, kiến nghị bổ sung, lồng ghép vào chương trình đào tạo một cách phù hợp với yêu cầu thực tế.
      Việc triển khai dạy học giáo dục quyền con người được thực hiện theo chương trình giáo dục quy định, cụ thể:
      - Đối với Giáo dục mầm non lựa chọn nội dung giáo dục quyền trẻ em bảo đảm tính cơ bản, phù hợp với đặc điểm phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ, đảm bảo đầy đủ 4 nhóm quyền của trẻ em (quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia); các nội dung giáo dục quyền trẻ em được đưa vào thực hiện trong các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục của trẻ mầm non.
      - Đối với giáo dục phổ thông, nội dung dạy học lồng ghép, tích hợp trong các môn học Đạo đức (bậc Tiểu học), Giáo dục công dân (bậc Trung học cơ sở), Giáo dục kinh tế và pháp luật (bậc Trung học phổ thông), Pháp luật đại cương, Nhà nước và pháp luật… (Giáo dục nghề nghiệp) và các môn học, hoạt động giáo dục khác có liên quan trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, ngành học và phù hợp với yêu cầu thực tế. Ngoài ra, qua rà soát chương trình, các môn học và hoạt động giáo dục có thể tích hợp giáo dục quyền con người gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động ngoài giờ lên lớp, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn - Đội - Hội để tích hợp, lồng ghép giáo dục cho học sinh về quyền con người với các nội dung cụ thể, phù hợp trong từng bài, từng hoạt động giáo dục gồm các nội dung như: Quyền bình đẳng, được tôn trọng, không kỳ thị, phân biệt đối xử; Quyền được sống tự do, được thể hiện tình yêu đối với quê hương, đất nước, trách nhiệm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Quyền được nuôi dưỡng, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, sức lao động, thân thể, tính mạng; Quyền được giáo dục, học tập và phát triển trong môi trường xã hội lành mạnh và bền vững; Quyền được sống trong thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân…
      - Đối với giáo dục nghề nghiệp, thực hiện lồng ghép nội dung cơ bản của quyền lao động - việc làm, an sinh xã hội; Các cơ chế bảo vệ quyền con người; Các cơ chế hoạt động nghề nghiệp; Phương pháp và chương trình hoạt động nghề; Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động…
      2.2. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và phương pháp giảng dạy các nội dung giáo dục quyền con người; xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy về quyền con người cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học, ngành học.
      Hiện nay, tổng số giáo viên tham gia dạy học nội dung liên quan trực tiếp đến giáo dục quyền con người ở các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp là 8.244 người (3.177 giáo viên mầm non; 4.835 giáo viên tiểu học; 134 giáo viên trung học cơ sở dạy môn Giáo dục công dân; 87 giáo viên trung học phổ thông dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật; 11 giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy các môn Nhà nước và pháp luật, Pháp luật đại cương…)
      Đội ngũ giáo viên tham gia dạy học nội dung liên quan về quyền con người đều đảm bảo trình độ chuyên môn và được bồi dưỡng định kỳ, thường xuyên theo hướng dẫn, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình giáo dục mầm non và các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, sáng tạo trong hoạt động dạy và học. Hầu hết giáo viên đã xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) đảm bảo các yêu cầu về phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành, cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, đồ dùng dạy học tự làm và các học liệu điện tử giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và có thể vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong bài học và trong cuộc sống…
  1. Thực hiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa có nội dung về quyền con người.
       Trước năm học 2024-2025, nội dung dạy học quyền con người được triển khai thực hiện song song theo hai chương trình quy định của Bộ GDĐT gồm: Chương trình Giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT, ngày 05/5/2006 (gọi tắt là Chương trình GDPT 2006) và Chương trình Giáo dục phổ thông ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018 (gọi tắt là Chương trình GDPT 2018). Từ năm học 2024-2025, nội dung dạy học quyền con người chỉ thực hiện một chương trình (Chương trình GDPT 2018) theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GDĐT (đối với bậc Tiểu học từ năm học 2019-2020, bậc Trung học cơ sở từ năm học 2020-2021, bậc Trung học phổ thông từ năm học 2021- 2022).
      Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả việc giảng dạy và học tập các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật theo quy định, Sở GDĐT đã chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục bám sát nội dung chương trình để triển khai dạy học đảm bảo mục tiêu theo yêu cầu cần đạt; tăng cường hoạt động sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy; thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng dẫn tại Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 của Bộ GDĐT đối với cấp tiểu học và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT đối với cấp trung học. Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa; triển khai và chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với tình hình thực tế. Việc sắp xếp thời khóa biểu dạy học được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo chương trình theo kế hoạch.
      4. Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên, giáo viên
      4.1. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quyền con người cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên; đồng thời thường xuyên bồi dưỡng phương pháp giảng dạy định kỳ cho giảng viên, giáo viên ở các cấp học trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
      Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy học nội dung quyền con người ở các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của tỉnh đã tham gia đầy đủ các đợt tập huấn theo yêu cầu của Ban điều hành Đề án giáo dục quyền con người và của Bộ GDĐT, cụ thể các đợt tập huấn gồm: Tập huấn kiến thức về quyền con người theo Công văn số 13-CV/BĐHĐAQCN, ngày 18/5/2023 của Ban điều hành Đề án giáo dục quyền con người; Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình môn học Giáo dục công dân và Giáo dục kinh tế và pháp luật theo Công văn số 6136/BGDĐT-GDTrH, ngày 03/11/2023 của Bộ GDĐT; Tập huấn giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non cho cán bộ quản lý cấp sở, phòng và trường của các tỉnh theo Công văn số 6607/BGDĐTGDMN, ngày 27/11/2023 của Bộ GDĐT; Hội nghị trực tuyến hướng dẫn tích hợp giáo dục quyền con người trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục cấp tiểu học theo Công văn số 7109/BGDĐT-GDTH, ngày 20/12/2023 của Bộ GDĐT.
      4.2. Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy trực tiếp các môn học về quyền con người hoặc các môn học có lồng ghép nội dung về quyền con người.
      Đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề tham gia dạy các môn học liên quan đến nội dung giáo dục quyền con người được đảm bảo về số lượng, chuyên môn, trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục Sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục năm 2019, tổng số giáo viên cần phải đào tạo nâng chuẩn trình độ còn khoảng 12,3% (trong đó có cả giáo viên tham gia dạy các môn học liên quan đến nội dung giáo dục quyền con người). Hiện nay, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành các kế hoạch thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo cho đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên dạy các môn học liên quan đến nội dung giáo dục quyền con người nói riêng theo lộ trình hàng năm.
      Nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật theo Chương trình GDPT 2018, Sở GDĐT đã triển khai bồi dưỡng các mô-đun theo quy định của Bộ GDĐT đối với giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông trong đó có giáo viên tham gia dạy học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Ngoài chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT, Sở GDĐT cũng tổ chức các chương trình bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học.
      Hàng năm, Sở GDĐT Bình Phước đã tổ chức các Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, học sinh giỏi lớp 12 và Kỳ thi Olympic 19/5 cho học sinh lớp 10 và lớp 11 tham gia, trong đó có môn Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và phát luật để tạo sân chơi, khuyến khích các em học sinh tích cực học tập các môn học nói chung và môn học Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật nói riêng. Bên cạnh đó, Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các kì thi, hội thi có liên quan đến nội dung giáo dục quyền con người cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học, trung học cơ sở tham gia với các hình thức tổ chức phong phú, đa dạng.
      5. Bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân
      Sở GDĐT đã triển khai đầy đủ đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh các văn bản, tài liệu liên quan đến quy định về giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân như: Quyết định số 4745/QĐ-BGDĐT, ngày 30/12/2022 của Bộ GDĐT phê duyệt Khung nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông; Tài liệu hướng dẫn dạy học nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục cấp trung học cơ sở; Tài liệu Khung nội dung quyền con người và định hướng thực hiện khung nội dung quyền con người trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục cấp trung học phổ thông; Sổ tay về Quyền con người dành cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục và giáo viên cũng chủ động tìm hiểu, khai thác nội dung về quyền con người từ các nguồn thông tin chính thống để phục vụ cho công tác dạy học.
      6. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy quyền con người trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh
      - Về cơ sở vật chất: Tính đến hết năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 449 cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề (Trong đó: 169 cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập ; 122 trường Tiểu học; 108 trường Trung học cơ sở; 37 trường Trung học phổ thông; 9 trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; 02 trường Cao đẳng; 02 trường Trung cấp tư thục)
      + Bậc mầm non: Tổng số phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em: 1.985 phòng (Trong đó: 1407 phòng kiên cố; 577 phòng bán kiên cố; 1 phòng tạm); Tổng số phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật: 243 phòng (Trong đó: 32 phòng đa năng; 106 phòng giáo dục thể chất; 105 phòng giáo dục nghệ thuật); Tổng số phòng tổ chức ăn: 256 phòng; Trường có sân chơi: 169 trường.
      + Bậc tiểu học: 3.516 phòng học (2.737 phòng kiên cố, 764 phòng bán kiên cố, 15 phòng học nhờ, mượn), đảm bảo mục tiêu 01 lớp/01 phòng học để học 2 buổi/ngày; 559 phòng phục vụ học tập; 149 phòng chức năng.
      + Bậc trung học cơ sở: 1.622 phòng học (1.536 phòng kiên cố, 82 phòng bán kiên cố, 04 phòng học nhờ, mượn), tỷ lệ phòng học/lớp học là 0,8 bảo đảm tối thiểu 0,6 phòng học/lớp theo quy định; 389 phòng học bộ môn; 205 phòng phục vụ học tập; 183 phòng chức năng.
      + Bậc trung học phổ thông: 990 phòng học (964 phòng kiên cố, 26 phòng bán kiên cố, không có phòng học nhờ, mượn), tỷ lệ phòng học/lớp học là 1.0, bảo đảm tối thiểu 0,6 phòng học/lớp theo quy định; 212 phòng học bộ môn; 70 phòng phục vụ học tập; 92 phòng chức năng.
      + Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên: 99 phòng (57 phòng học; 09 phòng máy tính, 02 phòng thư viện, 02 phòng thí nghiệm và 29 phòng khác); chưa có phòng chức năng;
      - Về trang thiết bị dạy học: Trang thiết bị dạy học liên quan nội dung giáo dục quyền con người được đảm bảo theo Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, để đáp ứng Chương trình GDPT 2018 cần mua sắm trang bị đầy đủ trang thiết bị nhằm đảm bảo yêu cầu, hiệu quả trong dạy và học nội dung quyền con người. Đối với Giáo dục mầm non, có 168 trường có thiết bị, đồ chơi ngoài trời tối thiểu theo quy định, đối với phổ thông đã thực hiện mua sắm thiết bị cho lớp 1 để thực hiện Chương trình GDPT 2018, các lớp còn lại thực hiện theo lộ trình.
      Thời gian tới, để triển khai tốt hơn nữa Đề án Giáo dục quyền con người, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai các nội dung:
       - Tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung về quyền con người theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người.
      - Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên làm công tác giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Pháp luật đại cương, Nhà nước và pháp luật… đẩy mạnh các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong các nhà trường.
      - Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc giáo dục quyền con người, ngành GDĐT là cơ quan chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác dạy và học nội dung quyền con người.
       - Thường xuyên rà soát, xác định các nội dung cụ thể, cần thiết để thực hiện lồng ghép, tích hợp trong các bài giảng, các hoạt động giáo dục. Chủ động cập nhật, khai thác các thông tin chính thống về dạy học quyền con người trong nhà trường để kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả việc giảng dạy. Tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người, việc giảng dạy lồng ghép quyền con người trong các môn học.
 

Tác giả: Nguyễn Dinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,887
  • Hôm nay249,015
  • Tháng hiện tại10,073,277
  • Tổng lượt truy cập455,468,399
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây