Nghị định số 165/2018/NĐ-CP: Gỡ vướng các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

Chủ nhật - 30/06/2024 21:45
Với các quy định cụ thể về chứng từ điện tử, sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử… Nghị định 165/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành sẽ tạo căn cứ pháp lý vững chắc, thuận lợi cho việc mở rộng triển khai giao dịch điện tử tại Việt Nam.
Nghị định số 165/2018/NĐ-CP: Gỡ vướng các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
Nghị định số 165/2018/NĐ-CP: Gỡ vướng các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
Với các quy định cụ thể về chứng từ điện tử, sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử… Nghị định 165/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành sẽ tạo căn cứ pháp lý vững chắc, thuận lợi cho việc mở rộng triển khai giao dịch điện tử tại Việt Nam.

Cụ thể hóa giá trị pháp lý
Ngày 24/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165/2018/NĐ-CP (Nghị định 165) về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2019, và thay thế cho Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (Nghị định 27) và Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (Nghị định 156)
Nghị định 165 ra đời nhằm khẳng định và cụ thể hóa giá trị pháp lý của giao dịch điện tử và chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đây cũng sẽ là nền tảng để triển khai Chính phủ điện tử trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, giảm gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghị định 165 thay thế Nghị định 27 đã giải quyết các vấn đề bất cập như: Quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn các nội dung liên quan đến chứng từ điện tử nhằm khẳng định giá trị pháp lý và đảm bảo khả năng ứng dụng của chứng từ điện tử. Quy định các tình huống chấp nhận chứng từ điện tử là bản gốc phù hợp thực tiễn hiện nay của giao dịch điện tử.
Việc sử dụng chữ ký số và các biện pháp kỹ thuật cụ thể tương đương chữ ký điện tử được đề cập trực tiếp, tạo căn cứ pháp lý vững chắc, thuận lợi cho việc mở rộng triển khai giao dịch điện tử. Đồng thời, Nghị định 165 vẫn có quy định mở để đáp ứng các công nghệ mới trong tương lai. Bên cạnh đó, Nghị định 165 cũng giải quyết vấn đề sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức (bao gồm cả ký số tự động) thay cho chỉ đề cập chữ ký số, chữ ký điện tử của cá nhân. Quy định này nhằm giải phóng phương thức áp dụng giao dịch điện tử, không bắt buộc phải mô phỏng hình thức chữ ký, con dấu như trong giao dịch giấy tờ truyền thống, khai thác tối đa tính hiệu quả của giao dịch điện tử.
Nghị định 165 quy định đầy đủ, cụ thể và phù hợp với thực tế (bao gồm điều chỉnh các quy định hiện hành và bổ sung quy định mới) về các vấn đề liên quan đến chứng từ điện tử: chuyển chứng từ giấy sang chứng từ điện tử và ngược lại; sửa đổi chứng từ điện tử; lưu trữ chứng từ điện tử; hủy hiệc lực và tiêu hủy chứng từ điện tử; niêm phong chứng từ điện tử. Các quy định không có tính thực tế như tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử bị xóa bỏ.
Nghị định 165 cũng quy định rõ các cách thức xác minh thông tin về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính bằng phương thức điện tử; đồng thời quy định cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chỉ được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất trình chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử trong trường hợp không thực hiện được việc xác minh thông tin theo phương thức điện tử. Quy định này nhằm giải quyết bất cập hiện nay về sự thiếu đồng bộ trong việc triển khai, áp dụng giao dịch điện tử thiếu giữa các cơ quan nhà nước, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Các quy định về hệ thống thông tin; quy định về bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính trên cơ sở các quy định hiện hành về an toàn thông tin mạng cũng được đề cập trong Nghị định 165.
Bên cạnh đó, Nghị định 165 còn quy định về dịch vụ trung gian phục vụ giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính căn cứ quy định về “Người trung gian” trong Luật Giao dịch điện tử và các dịch vụ liên quan thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014 (thay thế quy định về dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính trong Nghị định 27).
Nội dung của Nghị định cũng đề cập đến trách nhiệm của tất cả các bên liên quan tới giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, trong đó bao gồm trách nhiệm công nhận và sử dụng chứng từ điện tử theo giá trị pháp lý của chứng từ điện tử.
Ngoài ra, để đảm bảo không làm ngắt quãng các giao dịch điện tử đã được triển khai, Nghị định 165 còn quy định một số nội dung chuyển tiếp liên quan đến dịch vụ người trung gian và việc sử dụng chữ ký số của các cơ quan sử dụng ngân sách để giao dịch với cơ quan tài chính
Cơ quan nhà nước và DN cùng có lợi
Trước đây, cơ sở pháp lý để ngành Tài chính triển khai các dịch vụ công trực tuyến, cải cách mạnh mẽ thủ tục tài chính, hành chính công, đồng thời thúc đẩy áp dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính hiện được thực hiện theo Nghị định 27. Tuy nhiên, Nghị định 27 đã ban hành hơn 10 năm nên nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Xu hướng điện tử hóa các giao dịch ngoài xã hội và Chính phủ điện tử yêu cầu phải đẩy mạnh pháp lý hóa giao dịch điện tử và sử dụng văn bản pháp lý để tạo áp lực áp dụng, triển khai giao dịch điện tử đối với chính các cơ quan nhà nước. Các luật chuyên ngành sửa đổi, Luật Đầu tư năm 2014, các luật mới ban hành có liên quan đến giao dịch điện tử như: Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng cũng yêu cầu phải điều chỉnh các văn bản quy định cũ về giao dịch điện tử để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Các quy định của Nghị định 27 thiên về mô phỏng thực hiện theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử, chưa mạnh dạn khai thác lợi thế của phương thức điện tử (xử lý tự động, giảm thao tác thủ công và can thiệp của con người), do đó hạn chế tính hiệu quả của việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Điều này dẫn đến một số bất cập như: Luật Giao dịch điện tử quy định về chữ ký điện tử, tuy nhiên hiện Việt Nam mới chỉ có văn bản quy định cụ thể về chữ ký số (Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số) mà chưa có các văn bản quy định cụ thể về các loại chữ ký điện tử khác. Chữ ký số là phương thức đảm bảo tính pháp lý cao nhất hiện nay đối với giao dịch điện tử, tuy nhiên việc áp dụng chữ ký số khá phức tạp và chi phí cao. Việc thiếu các quy định cụ thể cho các loại chữ ký điện tử khác dẫn đến hạn chế ứng dụng giao dịch điện tử.
Quy định về chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử còn theo hướng mô phỏng áp dụng phương thức giấy tờ truyền thống, làm phức tạp hóa việc ứng dụng giao dịch điện tử. Các quy định về chuyển đổi văn bản giấy sang điện tử và ngược lại, quy định về hủy hiệu lực của chứng từ điện tử chưa phù hợp thực tiễn. Chưa có quy định về sửa đổi, lưu trữ chứng từ điện tử. Quy định về tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử không khả thi, không áp dụng được vào thực tế.
Trong khi trên 97% doanh nghiệp đã tham gia sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan thì các cơ quan quản lý liên quan khác ngoài cơ quan tài chính vẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hồ sơ thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy, dẫn đến doanh nghiệp thường xuyên phải chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy, gây phiền hà cho doanh nghiệp, giảm tác dụng của việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Giao dịch điện tử được thực hiện trên các hệ thống thông tin, tuy nhiên quy định về hệ thống thông tin còn ít nội dung và thiếu cụ thể, đặc biệt về khía cạnh bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử.
Năm 2016, để giải quyết yêu cầu cấp bách của việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 theo trình tự, thủ tục rút gọn; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2007/NĐ-CP , giải quyết vướng mắc về áp dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính, đồng thời bãi bỏ các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng để phù hợp với danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014.
Tuy nhiên, Nghị định 156 mới chỉ giải quyết một phần các vấn đề cần xử lý. Nghị định 156/2016/NĐ-CP đã hủy bỏ quy định dịch vụ giá trị gia tăng trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính là kinh doanh có điều kiện, để phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014, tuy nhiên chưa có quy định thay thế đối với loại hình dịch vụ này trong khi thực tế rất cần có loại hình dịch vụ tương tự để phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ đảm bảo, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan tài chính.
Các cơ quan nhà nước và khối doanh nghiệp đều còn đang rất lúng túng trong việc triển khai giao dịch điện tử do thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể, dẫn đến thiếu tự tin, không mạnh dạn khai thác lợi thế của việc xử lý tự động trên hệ thống thông tin, cải cách nửa vời, chưa tận dụng được công cụ công nghệ thông tin để tạo cơ hội phát triển cho kinh tế và các hoạt động xã hội. Trong khi đó, điều kiện về kết nối mạng Internet và trang bị máy tính, điện thoại di động của Việt Nam được đánh giá ở thứ hạng cao trong khu vực.
Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã sẵn sàng, Nghị định 165/2018/NĐ-CP của Chính phủ được các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ được các vướng mắc nêu trên để góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Nguồn tin: www.mof.gov.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,209
  • Hôm nay267,797
  • Tháng hiện tại893,470
  • Tổng lượt truy cập436,697,089
KQ TTHC
sổ tay đảng viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây