BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng nay (28-10), các đại biểu thảo luận trực tuyến, đóng góp ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trong phiên thảo luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến xung quanh các quy định về phong trào thi đua, nguyên tắc thi đua, khen thưởng, điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho nông dân, người lao động trực tiếp.
Phiên thảo luận trực tuyến có sự tham dự của lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban Thi đua, khen thưởng tỉnh
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan đến cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng theo như quy định trong dự án luật chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ quản lý, công tác qua các thời kỳ. Trong khi đó, luật hiện hành chưa bao quát, cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng trong cả nước như: công nhân, nông dân, trí thức...
Để đảm bảo mục tiêu thi đua, khen thưởng nhằm khuyến khích, cổ vũ, động viên cá nhân, tập thể hăng hái thi đua, lao động, công tác, sản xuất, kinh doanh..., đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng này vào dự thảo luật.
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luận trực tuyến từ điểm cầu Bình Phước
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang bày tỏ sự thống nhất với hình thức khen thưởng huy chương thanh niên xung phong vẻ vang để khen thưởng cho lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào quy định của dự thảo luật để ghi nhận sự đóng góp của lực lượng này. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm vào dự thảo luật điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng về đối tượng được xét khen thưởng huy chương thanh niên xung phong vẻ vang nhưng phải có sự chọn lọc, không khen thưởng đồng loạt một hạng để bảo đảm ý nghĩa danh hiệu cao quý của danh hiệu khen thưởng và phù hợp với các hình thức khen thưởng huy chương khác được quy định trong dự thảo luật.
Thực tế hiện nay, phong trào thi đua chưa đồng đều ở các vùng miền và các thành phần kinh tế, trong đó có vùng nông thôn, địa bàn dân cư, khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Một số nơi phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; chưa gắn kết thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị; nội dung, tiêu chí thi đua chưa cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động; chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ để khen thưởng. Việc quy định một số danh hiệu thi đua trong dự thảo luật chưa bao quát hết các phong trào từ cơ sở; một số quy định về thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, không hợp lý; quy định tiêu chuẩn của một số danh hiệu thi đua chưa phù hợp; căn cứ để xét tặng là sáng kiến cũng chưa rõ ràng, khó thực hiện.
Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh các nội dung cụ thể liên quan đến phong trào thi đua trong dự thảo luật cho phù hợp.
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, dự thảo luật quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, tuy nhiên các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo luật thì lại mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao dẫn đến việc hiểu khen thưởng lần sau bao giờ cũng phải cao hơn lần trước, do đó xu hướng dồn lên các hình thức khen thưởng cấp bộ và cấp Nhà nước; khen thưởng nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng tập thể nhỏ và lao động trực tiếp còn hạn chế.
Theo đánh giá, các danh hiệu thi đua có tính tiếp nối, kế thừa, khen từ thấp đến cao, như: danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc được lựa chọn trong số những cá nhân có 2 lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh”. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có 3 lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”… Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu quan điểm, chính quy định về tỷ lệ khen thưởng đã tạo cho thi đua mang tính “hình thức, phong trào”, tập thể xây dựng “lộ trình khen thưởng”, cá nhân có sự “nhường nhau” để cá nhân có thể theo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nên xem xét quy định một cách cụ thể về các tiêu chí danh hiệu thi đua trong dự thảo luật.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, quy định trong dự thảo luật gồm: “Tổ chức thi đua, khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng thi đua, khen thưởng để vụ lợi; cản trở hoặc ép buộc tham gia các phong trào thi đua; kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định khen thưởng trái pháp luật; lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể trong thi đua, khen thưởng”.
Việc quy định những hành vi như trong dự thảo luật nhìn chung tập trung vào nhóm đối tượng tổ chức thực hiện thi đua, khen thưởng và nhóm đề nghị khen thưởng mà chưa đề cập đến nhóm đối tượng “trung gian” là những người thực hiện thủ tục thi đua, khen thưởng. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo bổ sung dự thảo luật về hành vi nghiêm cấm đối với những người thực hiện trình tự thủ tục thi đua, khen thưởng, cụ thể như: hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng.