Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 19/05/2021 09:01
Đến ngày 18/4/2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ trung ương đến địa phương đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong danh sách 868 người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước, có 07 người là chức sắc, chức việc thuộc 03 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo và Cao Đài. Trong số đó, có 05 chức sắc, chức việc từng trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đó là Linh mục Nguyễn Văn Riễn, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Thượng tọa Lý Minh Đức, Ni sư Thích nữ Tín Liên. Ngoài ra, có 2 chức sắc, chức việc tham gia ứng cử lần đầu là Thượng tọa Thích Đức Thiện của Phật giáo và Phối sư Ngọc Hồng Thanh của Cao Đài. Đây đều là các chức sắc tôn giáo có uy tín, đạo hạnh và năng lực, có tư cách công dân tốt, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, được các tổ chức tôn giáo lựa chọn và giới thiệu, đồng thời đạt tỉ lệ tín nhiệm cao tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri ở cơ sở. Song song với công tác niêm yết Danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và tổ chức các điểm bỏ phiếu đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, chính quyền các cấp và ngành quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Cho tới nay, hầu hết lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đều bày tỏ hưởng ứng cuộc bầu cử sắp tới và tích cực tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia ứng cử, bầu cử theo quy định; hướng dẫn bà con tín đồ không tin, không nghe các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực xấu, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chống phá cuộc bầu cử. Thực tế cho thấy, chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia ứng cử và trở thành Đại biểu Quốc hội góp phần thể hiện tính dân chủ, bình đẳng của các cuộc bầu cử, biểu hiện uy tín của người ứng cử và sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và tín đồ các tôn giáo. Các Đại biểu Quốc hội là chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo là những cánh tay nối dài, giúp đem tiếng nói của đông đảo nhân dân và tín đồ các tôn giáo góp ý vào các nghị quyết và văn bản luật pháp quan trọng của Quốc hội. Tại Quốc hội khóa XIV, các Đại biểu Quốc hội là chức sắc, chức việc tôn giáo đã tích cực tham gia góp ý vào nội dung của dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo để Luật phù hợp với thực tiễn, góp phần vào thành công của Luật tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua với tỷ lệ cao tại Quốc hội và đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân. Luật đã được các cá nhân, tổ chức tôn giáo đón nhận, góp phần động viên chức sắc, chức việc tín đồ chấp hành pháp luật khi thực hiện các hoạt động tôn giáo; tạo sự yên tâm, phấn khởi trong cuộc sống, trong việc giữ đạo và sống đạo; tạo điều kiện cho chức sắc, chức việc tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần xây dựng, củng cố mối đoàn kết giữa các tổ chức tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc